26/04/2008 08:44 GMT+7

Đình công tại công ty Huê Phong (TP.HCM): Cần can thiệp mạnh!

YẾN TRINH - QUỐC THANH
YẾN TRINH - QUỐC THANH

TT - Vụ đình công của hơn 4.000 công nhân Công ty Huê Phong đã kéo dài hai tuần. Đây không phải lần đầu có đình công ở công ty này. Trong 16 năm hoạt động, Công ty Huê Phong nhẵn mặt với cơ quan chức năng bởi hàng loạt vụ tranh chấp lao động tập thể.

Ecob89Ih.jpgPhóng to
Công nhân Công ty Huê Phong đình công đã trên hai tuần - Ảnh: Minh Đức
TT - Vụ đình công của hơn 4.000 công nhân Công ty Huê Phong đã kéo dài hai tuần. Đây không phải lần đầu có đình công ở công ty này. Trong 16 năm hoạt động, Công ty Huê Phong nhẵn mặt với cơ quan chức năng bởi hàng loạt vụ tranh chấp lao động tập thể.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Công ty TNHH giày da Huê Phong (trụ sở chính: 57/4A Phạm Văn Chiêu, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 10-1992. Tháng 11-2004, công ty này đã đăng ký thay đổi đến lần thứ tám. Ông Tô Gia Đương, giám đốc công ty (góp 98,15% vốn), là người dân tộc Hoa, hộ khẩu thường trú tại Quảng Châu, Trung Quốc và không rành tiếng Việt. Tuy nhiên, ông Đương có quốc tịch VN. Theo qui định, ông được đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước, được trả lương cho công nhân (CN) theo lương tối thiểu của DN trong nước (thấp hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài).

Hàng chục năm "đội sổ bìa đen"

Lịch sử của Công ty Huê Phong cũng làm tốn không ít giấy mực của báo chí phản ánh về việc tranh chấp lao động tập thể giữa hàng ngàn CN và lãnh đạo công ty. Hầu hết cuộc tranh chấp đều liên quan đến lương, thưởng và cách đối xử với CN.

Tháng 9-1997, nhân viên kỹ thuật người Đài Loan tên Liu Tien Kuang bắt 120 CN phơi nắng dẫn đến cuộc đình công của toàn thể CN. Năm 2000, tại công ty xảy ra nhiều cuộc đình công với qui mô hàng ngàn người tham gia. Lý do: công ty trả lương thấp, buộc CN làm việc quá sức, phạt tiền vô tội vạ. Công ty còn áp dụng nhiều chính sách rất nghiệt ngã: lao động nữ khi vào công ty phải cam kết không được sinh con, CN nữ nào có thai bị sa thải và không được trợ cấp…

Tháng 10-2000, 12 CN đã tuyệt thực phơi nắng để phản ứng về cách đối xử của lãnh đạo công ty. Năm 2005, hàng ngàn lao động đã phản ứng dữ dội, đập phá tan hoang căngtin, văn phòng của công ty. Giữa tháng 2-2006, CN đình công phản đối cách tính lương thưởng. Năm 2007, cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết công ty nợ bảo hiểm đến 5,2 tỉ đồng. Giữa tháng 3-2008, 4.000 CN ngưng việc phản đối cách tính lương thưởng. Và đến nay là cuộc đình công đã kéo dài hai tuần...

Thiếu thiện chí, xem thường pháp luật

Báo cáo với UBND TP chiều 24-4, Sở Lao động - thương binh & xã hội TP nhận định: Công ty Huê Phong tuyển dụng và sử dụng trên 4.000 lao động nhưng không có phương thức quản lý hiệu quả. Điều này thể hiện rõ qua quan điểm sử dụng lao động giá rẻ của công ty. Chính vì thế, biến động lao động tại công ty rất lớn và công tác chăm lo đời sống người lao động không được quan tâm đúng mức. Ông Trương Văn Non - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - cho biết: trước tết, Công ty Huê Phong có trên 8.000 CN nhưng đến sau tết thì gần 5.000 CN đồng loạt nghỉ việc. Đây không phải lần đầu Công ty Huê Phong phải "thay máu lao động".

Giải thích về việc tranh chấp kéo dài nhiều ngày, Sở LĐ-TB&XH cho rằng lãnh đạo công ty thiếu thiện chí. Người đại diện công ty không có thực quyền quyết định các vấn đề của công ty mà phải xin ý kiến bên thứ ba ở nước ngoài. Chính điều này đã làm người lao động không muốn đối thoại, thương lượng với người đại diện của DN, thậm chí cho rằng Công ty Huê Phong là một dạng đầu tư chui, lợi dụng sự khác nhau giữa chính sách tiền lương khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để trục lợi.

Trách nhiệm của ai?

Sau 15 ngày diễn ra đình công, các cơ quan chức năng cho biết tình hình đình công tại Công ty Huê Phong ngày càng phức tạp do công ty thờ ơ, không dứt khoát (thậm chí thay đổi ý định) sau khi thương lượng với CN. Việc này khiến CN không còn tin tưởng vào lời hứa của công ty.

Về trách nhiệm trong vụ đình công kéo dài nhiều ngày này, trong báo cáo với UBND TP, Sở LĐ-TB&XH cho rằng: "Người đại diện của DN cũng có ý thức để mặc đình công xảy ra trong một thời gian, vừa để đánh tiếng với bên nước ngoài, vừa buộc các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải tham gia giải quyết để ổn định tình hình trên địa bàn. Trách nhiệm của DN nay trở thành trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước".

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với một công ty đã nhiều lần vi phạm Luật lao động như Công ty Huê Phong, lẽ ra cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát và xử lý ngay từ đầu.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi sự việc xảy ra, cả CN và lãnh đạo công ty đều sai. CN đòi quyền lợi chính đáng nhưng họ quá bốc đồng, không đấu tranh đúng theo trình tự qui định mà đập phá, gây mất trật tự. Lãnh đạo công ty cũng vi phạm một số điều khoản của Luật lao động… Đáng lẽ cơ quan chức năng phải cương quyết xử lý cả đôi bên, thế nhưng đình công đã qua hai tuần, tình trạng lãnh đạo công ty "nuốt lời" và CN đập phá vẫn diễn ra.

Có thể nói đây là một trong những vụ đình công dài nhất từ trước đến nay. Sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đề nghị hai bên ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết các tranh chấp nếu cơ quan chức năng không kiên quyết xử lý. Nói như báo cáo của Sở LĐ-TB&XH: uy tín của cơ quan nhà nước cũng bị giảm sút nếu như không có biện pháp cưỡng chế công ty.

YẾN TRINH - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên