05/12/2006 04:13 GMT+7

10 năm xây dựng đô thị Đà Nẵng: Được gì, "mất" gì?

 ĐĂNG NAM
 ĐĂNG NAM

TT - Được cũng nhiều mà mất cũng nhiều!” là đánh giá của các nhà khoa học và quản lý về 10 năm xây dựng đô thị Đà Nẵng tại hội thảo vừa diễn ra. Tại đây các nhà khoa học ghi nhận những thành quả đã đạt được cũng như “nói thẳng” những yếu kém.

0qfU8sAa.jpgPhóng to
Sau 10 năm trực thuộc trung ương, bộ mặt của đô thị Đà Nẵng có nhiều thay đổi. Nhiều tuyến đường, khu dân cư được khởi công xây dựng (Trong ảnh: một góc đường Điện Biên Phủ) - Ảnh: Đ.Nam
TT - Được cũng nhiều mà mất cũng nhiều!” là đánh giá của các nhà khoa học và quản lý về 10 năm xây dựng đô thị Đà Nẵng tại hội thảo vừa diễn ra. Tại đây các nhà khoa học ghi nhận những thành quả đã đạt được cũng như “nói thẳng” những yếu kém.

“Hiện tượng” Đà Nẵng

Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng chính thức trở thành TP trực thuộc trung ương. Với những quyết sách của lãnh đạo chính quyền TP cùng với sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng bắt đầu một thời kỳ phát triển với tốc độ nhanh trong công cuộc kiến thiết đô thị và trở thành một “hiện tượng” Đà Nẵng. Đến mức nhiều tỉnh, thành “cơm đùm, gạo bới” về Đà Nẵng học tập kinh nghiệm, nhất là trong công tác đền bù, giải tỏa và mở rộng không gian đô thị.

10 năm qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng cơ sở đã tăng từ 400 tỉ lên 3.200 tỉ đồng. Những khu phố cũ đã được rộng mở và chỉnh trang tươm tất. Nhiều khu đô thị mới đã mọc lên.

Nhiều đại lộ mở ra cùng với những cây cầu bắc qua sông Hàn rất ấn tượng. Trong đó, một đổi thay được xem là căn bản nhất: từ một thành phố quay lưng ra biển, Đà Nẵng đã kiến thiết để “biển trở thành mặt tiền” thơ mộng. Hơn 50% khu dân cư đã được cải tạo, tạo điều kiện sống tốt hơn cho hơn 60.000 hộ dân trong TP. Những khu nhà ổ chuột phía bờ đông sông Hàn hay dọc bờ biển Thuận Phước đã bị xóa với diện tích hơn 3.000ha, thay vào đó là những khu phố mới, những tuyến đường mới.

“10 năm qua, Đà Nẵng đã nhanh chóng lột xác từ một đô thị cấp huyện loại 3 thành một đô thị loại 1, đóng vai trò, động lực vô cùng quan trọng cho sự phát triển của kinh tế toàn vùng” - KTS Huỳnh Tòa (phó chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng) đã khẳng định.

Theo thống kê của Viện Qui hoạch TP Đà Nẵng, đến nay toàn TP đã phê duyệt và triển khai gần 1.250 dự án, sử dụng trên 16.700ha đất. Với chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”, chỉ trong năm năm từ 2000-2005 hàng loạt công trình, dự án mang tính đột phá của TP biển Đà Nẵng đã mọc lên, khiến nhiều người bất ngờ trước sự đổi thay của TP này.

“Chủ quan nóng vội”

liFCJEth.jpgPhóng to
Hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) vốn rất đẹp nhưng số phận cũng hết sức mong manh, khi có nhiều ý kiến cho rằng nên lấp hồ để khai thác quĩ đất. Ý kiến này đã khiến dư luận hết sức bất bình (Trong ảnh: một góc hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung) - Ảnh: Đ.Nam

Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại. Theo KTS Huỳnh Tòa, những tồn tại lâu ngày kết tụ đến mức thành những lực cản làm giảm thiểu hiệu quả đầu tư, làm chậm tốc độ phát triển.

Tổng thư ký Hội Qui hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, KTS Hồ Duy Diệm, thì nói: “10 năm qui hoạch và xây dựng, từ một TP trên 5.000ha đến nay TP đã rộng đến 15.000ha nhưng dân số không tăng, chỉ số đất ở không tăng. Rõ ràng hiệu quả đầu tư không nhiều.

Ông Diệm nhận định trong 10, 20 năm tới, nền tài chính dựa vào nguồn “bán nền nhà” sẽ không còn nhiều. Những “miếng đất vàng”, những “của cải gia bảo” sẽ hết. Vì vậy, nhà quản lý cần phải đầu tư, suy nghĩ để tìm ra cho được những “mảnh đất vàng” mới.

Đồng tình với ông Diệm, KTS Huỳnh Tòa cho rằng đô thị Đà Nẵng có nhiều tồn tại, mà những tồn tại này không nhanh chóng tháo gỡ thì Đà Nẵng sẽ không thể nào phát triển bền vững được.

KTS Huỳnh Tòa nêu ra các dẫn chứng cụ thể: cây xanh của Đà Nẵng như một thứ hàng xa xỉ (chỉ đạt 0,5m2 cây xanh/người, trong khi chuẩn là 10m2/ người); sau 30 năm giải phóng Đà Nẵng không có một công viên nào được xây dựng, ngoại trừ công viên 29-3. Trong khi đó khu đất nam tượng đài vốn là “đắc địa” bậc nhất cho một công viên trung tâm thì đã bị phân lô bán nền. Nhiều hồ nước nằm sâu trong các khu dân cư cũng bị “ngắm nghía” lấp để lấy đất phân lô.

Cũng theo ông Tòa, đô thị Đà Nẵng chưa có tính thẩm mỹ bởi việc qui hoạch mang tính chất “nhất trí của sự chỉ đạo từ trên xuống”, chỉ là sự tập hợp của những công trình, công trình nhiều nhưng không có kiến trúc.

Đô thị Đà Nẵng chưa đặt trong tương tác với công nghiệp hóa, nặng ý chí chủ quan, nóng vội. Ông Tòa nói: “Những công trình như: đường Liên Chiểu - Thuận Phước, những khu nhà hàng ở biển Phước Mỹ hay cách đô thị hóa bán đảo Sơn Trà sẽ đặt chúng ta trước thế hệ tương lai với câu hỏi: có công hay có tội?”.

“Đà Nẵng chưa định hướng được qui hoạch không gian và môi trường cho cuộc sống; chưa có công trình kiến trúc nào để tự hào...”, là nhận định của nhà báo Nguyễn Cửu Loan - thư ký tòa soạn tạp chí Kiến Trúc miền Trung - Tây nguyên.

KTS Hoàng Quang Huy - nguyên viện trưởng Viện Qui hoạch Đà Nẵng - cũng thừa nhận: “Trong quá trình thực thi qui hoạch đã không ít qui hoạch bị ban quản lý các dự án đề xuất trực tiếp với lãnh đạo TP tước bỏ không gian xanh, thu hẹp khu vui chơi. Nhiều dự án đã được giao cho những tư vấn thiếu kinh nghiệm, kém năng lực... Điều đó khiến dư luận phản ứng, mà bán đảo Sơn Trà, núi Phước Tường, khu nhà hàng ven biển Phước Mỹ, khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa... là những điển hình”.

Tôi cho rằng khuyết điểm lớn nhất trong qui hoạch đô thị Đà Nẵng đó là TP này chưa xây dựng đồng bộ được những công trình phục vụ việc phát triển dịch vụ, du lịch, văn hóa xã hội. Mới thấy cái trước mắt là chia lô, phân lô theo chủ trương mà không chú ý đến tính sáng tạo trong qui hoạch nhằm phục vụ sự phát triển của tương lai TP.

(Ông Đoàn Ngọc Đấu - ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Liên hiệp KH-KT Việt Nam)

 ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên