24/08/2005 08:29 GMT+7

Nghệ An: dự án lừa?

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Sau gần hai năm khai trương rầm rộ, dự án khu liên hợp khách sạn - thể thao - thương mại - chung cư Cửa Lò mới lộ diện một trong sáu hạng mục. Đó là “khu biệt thự cao cấp” chưa rõ hình hài. Liệu dự án có tổng vốn 50 triệu USD này sẽ ra sao khi chủ đầu tư đang bỏ mặc các nhà thầu trong cơn khốn đốn?

YqCD8R9W.jpgPhóng to
Một góc khu biệt thự cao cấp đang xây dang dở và bị bỏ hoang - Ảnh: Vũ Toàn
TT - Sau gần hai năm khai trương rầm rộ, dự án khu liên hợp khách sạn - thể thao - thương mại - chung cư Cửa Lò mới lộ diện một trong sáu hạng mục. Đó là “khu biệt thự cao cấp” chưa rõ hình hài. Liệu dự án có tổng vốn 50 triệu USD này sẽ ra sao khi chủ đầu tư đang bỏ mặc các nhà thầu trong cơn khốn đốn?

Nhà thầu... thoi thóp

Cho tới trung tuần tháng tám, dự án khu liên hợp kinh doanh khách sạn - thể thao - thương mại - chung cư Cửa Lò (gọi tắt là dự án Hồng Thái - S.I.T) của Công ty liên doanh Hồng Thái - S.I.T mới chỉ có 114 biệt thự trong khu số 2 đang được xây dở. Toàn cảnh nơi đây trông giống như một bức tranh nham nhở, ngổn ngang đủ thứ vật liệu xây dựng.

Đáng nói hơn cả là hạng mục quan trọng số 1 của dự án gồm một khách sạn năm sao cao 23 tầng, một khách sạn bốn sao 16 tầng, một khách sạn ba sao mười tầng và hai khách sạn hai sao sáu tầng chỉ mới ở giai đoạn thăm dò địa chất.

Gặp chúng tôi, ông Vũ Hồng Liên - giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & phát triển đô thị Nghệ An, một trong 32 nhà thầu từ khắp nơi trong cả nước đến tham gia xây dựng dự án (làm B) - chua chát nói: “Tất cả 32 B đều đang “khóc dở, mếu dở” đành phải tạm bỏ cuộc vì bị chủ đầu tư liên tục lừa”.

Theo ông Liên, năm 2003 khi xem truyền hình đưa tin khởi công dự án Hồng Thái - S.I.T thấy có đủ lãnh đạo tỉnh tới dự nên khi “cò” đến đặt vấn đề tham gia làm B thì các doanh nghiệp đều tin và yên tâm tìm “cửa” vào.

Ông Liên còn nói đã phải chi cho “cò” 150 triệu đồng tiền mặt, bỏ vào tài khoản của ông Cao Hồng Định - tổng giám đốc Công ty Hồng Thái - S.I.T - 100 triệu đồng (gọi là tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng) mới được phân lô để thầu xây dựng.

Ông Liên giở cho chúng tôi xem bản “hợp đồng kinh tế giao nhận thầu xây lắp công trình” số 15 giữa ông và Công ty liên doanh Hồng Thái - S.I.T. ký ngày 16-1-2004, trong đó có cam kết: “Trong quá trình thi công, bên A sẽ tạm ứng thanh toán cho bên B theo từng phần hạng mục công trình với số lượng thanh toán bằng 80% khối lượng được nghiệm thu theo từng giai đoạn hoàn thành. Nếu chậm thanh toán, bên B được tính lãi suất ngân hàng trên số tiền bên A nợ”.

Theo hợp đồng này, ông Liên đã bỏ ra 1,8 tỉ đồng xây sáu biệt thự nhưng càng xây càng thất vọng vì chủ đầu tư không hề thanh toán đồng nào, nghĩa là không rót vốn cho bên B như đã cam kết. Do không đủ tiền xây tiếp và dường như cảm thấy bị lừa nên ông Liên đành phải tạm dừng thi công sáu biệt thự đang dở dang.

Ông H. - đại diện một B khác - bức xúc nói: “Họ đến nghiệm thu nhiều lần nhưng lần nào họ cũng viết giấy hẹn rồi lại khất, không chịu thanh toán cho bất cứ bên B nào cả. Doanh nghiệp của tôi mất cả chục triệu đồng làm hồ sơ nghiệm thu và sửa sai từng chữ theo yêu cầu kiểu bắt chẹt của họ nhưng rốt cuộc vẫn phải ngậm đắng nuốt cay rút lui vì không còn sức chịu nổi”.

Ông Liên còn cho hay: “Thủ đoạn của họ là chiếm dụng vốn bằng cách lợi dụng công trình của bên B xây lắp để bán lại cho người khác rồi sau đó mới lấy tiền trả các B. Không ngờ cách làm ăn này bị tắc tị nên các B đều lâm cảnh tiền mất, tật mang”.

Chưa làm đã vi phạm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty liên doanh Hồng Thái - S.I.T là của doanh nghiệp tư nhân Hồng Thái (có trụ sở tại Cửa Lò) với Công ty Safekeeping - Investment - Trust, viết tắt là S.I.T ở Úc. Trong giấy phép đầu tư số 2371/GP của Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc ký ngày 31-12-2003 có ba qui định quan trọng thì liên doanh này vi phạm cả ba:

1. Tự tiện qui hoạch thêm 28 biệt thự trong khi cơ quan chức năng chỉ cho phép xây dựng 86 biệt thự.

2. Trong giấy phép đầu tư thông báo “vốn đăng ký và vốn pháp định của dự án là 50 triệu USD. Trong đó phía VN góp 18 triệu USD (36%), phía S.I.T. góp 32 triệu USD (64%). Nếu hai bên không góp được 50% vốn pháp định thì giấy phép đầu tư và toàn bộ diện tích đất đã cấp cho dự án sẽ bị thu hồi.

Thế nhưng từ tháng 3-2004, ông Walter Charles Burke Brooks - đại diện S.I.T - đã đơn phương rút khỏi dự án và không chịu trách nhiệm pháp lý đối với mọi hoạt động của dự án. Tuy nhiên mãi tới ngày 5-11-2004 ông chủ này mới có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư. Ngay sau đó Công ty Hồng Thái - S.I.T có đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư cho Công ty MPM

Development and Financial Group Pty Lid tham gia dự án thay thế S.I.T. Nhưng điều 6 trong giấy phép đầu tư qui định “việc chuyển nhượng vốn chỉ được thực hiện khi dự án xây xong và đi vào kinh doanh và phải được bộ chấp nhận”. Như vậy “việc chuyển nhượng vốn và chuyển chủ đầu tư của Công ty Hồng Thái không phù hợp”.

3. Giấy phép đầu tư qui định “Công ty liên doanh Hồng Thái - S.I.T. không được huy động vốn từ cộng đồng dân cư trong nước dưới bất kỳ hình thức nào”, vậy mà các nhà thầu xây dựng (tức các B) đã phải nộp vào tài khoản ông tổng giám đốc liên doanh Hồng Thái - S.I.T Cao Hồng Định 100 triệu đồng và tự bỏ tiền ra xây công trình mà không được thanh toán như hợp đồng đã cam kết.

Cho đến nay, ngoài khu biệt thự 114 căn đang nằm phơi nắng phơi sương thì còn hơn 10ha đất ven biển vẫn bỏ hoang. Dư luận cho rằng dự án 50 triệu USD này đang chết yểu và kéo các nhà thầu tham gia dự án cùng chết theo.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên