12/11/2004 09:25 GMT+7

Toàn văn kết quả thanh tra tại VNPT

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG Đã ký
PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG Đã ký

Dưới đây là toàn văn kết luận Thanh tra tại Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) của Thủ tướng Chính phủ.

nuCOeFqe.jpgPhóng to
Dưới đây là toàn văn kết luận Thanh tra tại Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) của Thủ tướng Chính phủ.

I. Sau khi nhận được báo cáo tổng hợp chung của ba Ðoàn công tác của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành chức năng có liên quan để nghe báo cáo kết quả thanh tra tại VNPT.

Trong 10 vấn đề Thanh tra Chính phủ nêu ra, có bảy vấn đề đã được làm rõ và có sự thống nhất về cơ bản giữa Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và VNPT cả về nội dung, đánh giá. Còn ba vấn đề chưa đạt được sự thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ với VNPT và ý kiến các bộ, ngành chức năng cũng còn khác nhau và đây cũng là những vấn đề mà dư luận quan tâm:

1/ Việc đấu thầu thuộc dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống IN (mạng thông minh phục vụ thuê bao trả trước) mạng Vinaphone; 2/ Việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài (BCC) giữa VNPT với Hãng Kinnevic/Comvik (CIV - Thụy Ðiển); 3/ Về giá cước viễn thông và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của VNPT. Do còn có ý kiến khác nhau và là những vấn đề có tính chất chuyên sâu về kinh tế, kỹ thuật - công nghệ và nghiệp vụ, trên cơ sở đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo thẩm quyền, đã quyết định thành lập hai Ðoàn công tác liên ngành do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính chủ trì để thẩm định kỹ về kinh tế và kỹ thuật, bảo đảm cho quyết định xử lý của Thủ tướng được khách quan, chính xác.

Ngày 18-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo của hai Ðoàn thẩm định, ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ về kết quả thẩm định tập trung ở ba vấn đề trên. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Bưu chính-Viễn thông, Tổng Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và VNPT, đại diện các ban của Ðảng: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương, Bộ phận Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư 6 (2). Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan và Tổng Thanh tra Chính phủ đã thống nhất cơ bản với các báo cáo của hai Ðoàn thẩm định. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về ba vấn đề nêu trên.

II. Như vậy, cả 10 nội dung mà ba Ðoàn công tác của Thanh tra Chính phủ nêu lên đã được các bộ, ngành chức năng Trung ương và Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét thận trọng, đánh giá thống nhất, từ đó giúp Thủ tướng Chính phủ kết luận đạt được sự thống nhất cao. Từng vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

1. Công tác tư vấn đầu tư xây dựng:

Ở các dự án được thanh tra cho thấy, công tác tư vấn đầu tư tại VNPT đã không làm hết nội dung và phạm vi công việc, áp tính phí thiết kế không đúng, chất lượng tư vấn thiết kế thấp, trình tự thủ tục các bước của công tác khảo sát lập dự án, khảo sát thiết kế, thiết kế kỹ thuật và giám sát tác giả chưa được thực hiện đầy đủ. Những sai phạm này chủ yếu về trình tự, thủ tục và do trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực. VNPT đã tiếp thu khắc phục thiếu sót. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VNPT nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh ngay công tác này.

2. Công tác đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị:

Năm 2000, VNPT có 2.703 gói thầu với tổng giá trị 5.064,5 tỷ đồng, trong đó, VNPT chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp 912 gói thầu với 2.357 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng giá trị. Năm 2001, có 4.656 gói thầu, tổng giá trị 9.382 tỷ đồng, trong đó, VNPT đã chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp 2.743 gói với 5.809 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng giá trị. Năm 2002, có 5.608 gói thầu, tổng giá trị 7.042 tỷ đồng, trong đó, VNPT đã chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp 3.027 gói với 3.426 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng giá trị. Tổng hợp chung trong ba năm, do yêu cầu cao về tính tương thích, Hội đồng quản trị VNPT đã áp dụng hình thức chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp chiếm 47,8% tổng giá trị các gói thầu (10.283 tỷ đồng/21.488,5 tỷ đồng).

Theo quy định, đối với những gói thầu có tính chất đặc biệt, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ được phép quyết định chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Việc chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp trong các dự án mở rộng của VNPT khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào thời điểm trước khi có Nghị định 66/2003/NÐ-CP là vi phạm Quy chế đấu thầu.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn chung trong quá trình thực hiện Quy chế đấu thầu, ngày 12-6-2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu, trong đó đã sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Ðiều 1 về thẩm quyền chỉ định thầu đối với những gói thầu có tính chất đặc biệt (phức tạp về kỹ thuật, công nghệ hoặc do yêu cầu đột xuất của dự án), theo đó các gói thầu mà VNPT chỉ định thầu đã nói ở trên thuộc thẩm quyền quyết định của HÐQT VNPT. Tuy là các Dự án đầu tư mở rộng, phức tạp về kỹ thuật, công nghệ, có yêu cầu cao về tính tương thích và chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng việc làm của VNPT xảy ra trong khi Chính phủ chưa sửa đổi Quy chế đấu thầu là trái quy định và phải nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc này.

Ðối với việc thanh quyết toán giá trị thiết bị 15 dự án thuộc Bưu điện Hà Nội, do Bưu điện Hà Nội chưa cung cấp đầy đủ tài liệu, nên Ðoàn công tác của Thanh tra Chính phủ kết luận có dấu hiệu cố ý làm trái làm thất thoát 5,323 triệu USD và 8,051 triệu FrF. Qua quá trình thẩm định, Bưu điện Hà Nội đã cung cấp được hồ sơ, tài liệu, trên cơ sở đó đã xác định chỉ còn hai khoản chưa đủ điều kiện thanh toán là 84.620 FrF chi phí đào tạo và 200.408 USD chi phí dịch vụ sau bán hàng. VNPT và Bưu điện Hà Nội phải kiểm điểm nghiêm túc lý do không cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ tài liệu khi thanh tra. Riêng đối với hai khoản chi phí đào tạo và dịch vụ sau bán hàng, Thủ tướng Chính phủ giao VNPT chỉ đạo tiếp tục tìm chứng từ để bảo đảm thanh toán theo quy định. Trường hợp không thanh toán được phải quy trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm minh.

3. Về dự án đầu tư "nâng cấp hệ thống chuyển mạch (MSC) để có tính năng mạng thông minh (IN) phục vụ thuê bao trả trước mạng Vinaphone giai đoạn 2001 -2002":

Dự án này có tổng vốn đầu tư 147,473 tỷ đồng, chia thành 5 gói thầu, trong đó gói thầu số 4 (mua thiết bị điều khiển và quản lý dịch vụ) với giá 6,79 triệu USD, thực hiện theo hình thức đấu thầu hạn chế giữa ba nhà thầu nước ngoài là Siemens (Ðức), Ericsson (Thụy Ðiển) và Alcatel (Pháp). Ðây là dự án áp dụng công nghệ mới (hệ thống IN) để có thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thuê bao trả trước đang phát triển nhanh.

Quá trình đấu thầu, Tổ chuyên gia tư vấn, Tổng giám đốc căn cứ hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá thầu đã đề nghị Siemens trúng thầu. HÐQT VNPT sau khi xem xét thực tế năng lực nhà thầu, giá bỏ thầu của Ericsson thấp hơn (4,9 triệu USD so với 6,567 triệu USD của Siemens cho dung lượng 500 K), đồng thời do yêu cầu bảo đảm an ninh và kịp thời phục vụ SEA Games 22, quyết định chọn Ericsson trúng thầu. Việc HÐQT VNPT quyết định chọn Ericsson trúng thầu là sai về trình tự, thủ tục của Quy chế đấu thầu.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đánh giá của Ðoàn thẩm định liên ngành do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì. Tuy việc xét thầu có sai so với Quy chế đấu thầu, nhưng chưa đủ cơ sở kết luận rằng, nếu một nhà thầu khác còn lại trúng thầu sẽ thuận lợi hơn. Dù chọn nhà thầu nào thì những trở ngại kỹ thuật không lường trước được vẫn là một tồn tại khách quan; và việc phải đầu tư, mở rộng hệ thống đang có (hệ thống SN) trong thời gian quá độ và để đưa nhanh hệ thống IN vào sử dụng, là yêu cầu cần thiết, bắt buộc.

Việc đầu tư mở rộng đã mang lại doanh thu cao cho VNPT. Căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng, yếu tố công nghệ cao của dự án, giá chào thầu thấp, yêu cầu của thị trường và bảo đảm an ninh thì việc chọn Ericsson là có lợi cho quốc gia. Chưa có căn cứ xác định có lãng phí, thiệt hại và cũng chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, nhưng trong vấn đề này HÐQT VNPT phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc không làm đúng quy trình, thủ tục đấu thầu.

4. Về dự án hợp đồng, hợp tác kinh doanh với nước ngoài (BCC):

Việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu thuần trong hợp đồng BCC giữa Công ty thông tin di động của VNPT (VMS/VNPT) với CIV (Thụy Ðiển). Ðây là hợp đồng hợp tác kinh doanh, không có pháp nhân mới. Theo hợp đồng, phía nước ngoài bỏ ra 100% vốn cùng kinh doanh, chia lợi nhuận trong 10 năm, bảo đảm suất nội hoàn (IRR) cho CIV đạt 22,7% và khi kết thúc dự án, phía Việt Nam tiếp nhận toàn bộ tài sản và công nghệ. Và cũng theo hợp đồng và giấy phép ban đầu thì trong 5 năm đầu, doanh thu thuần được chia đều 50/50 cho hai bên, 5 năm còn lại VMS/VNPT là 60% và CIV là 40%. Do IRR của CIV không đạt mức 22,7% nên tháng 10 năm 2000, CIV và VMS/VNPT đã xây dựng và trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án điều chỉnh tỷ lệ phân chia VMS/VNPT 50%, CIV 50%.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đánh giá của Ðoàn thẩm định liên ngành do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì. Ðánh giá sự việc này cần phải tính đến đặc thù kỹ thuật, đặc thù đầu tư trong các dự án BCC và bối cảnh đất nước những năm 1998 - 2000 và phải tính đến lợi ích tổng thể của cả dự án. Việc đàm phán điều chỉnh tỷ lệ phân chia để bảo đảm IRR của mỗi bên theo hợp đồng gốc là cách làm thông thường trong các hợp đồng BCC, đồng thời với việc đàm phán điều chỉnh tỷ lệ phân chia nêu trên, VNPT đã yêu cầu đối tác tăng thêm vốn đầu tư mở rộng ngoài vốn cam kết trong hợp đồng gốc (75 triệu USD) để phát triển dung lượng mạng và nâng cao chất lượng dịch vụ là phù hợp.

Trong việc điều chỉnh này, tỷ lệ phân chia cho phía CIV có tăng 10% và VMS/VNPT bị giảm 10%, nhưng do có đầu tư thêm dẫn đến hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho cả hai bên và thực tế phía Việt Nam có lợi nhiều hơn. Sau điều chỉnh, IRR của CIV đạt 24% so với 22,7% tính toán trong hợp đồng gốc (tăng 1,3%), IRR của VMS/VNPT đạt 103,8% so với 85,9% (tăng 17,9%) và sau khi kết thúc hợp đồng (tháng 6 năm 2005) VMS/VNPT dự kiến có tổng thu đạt 535,69 triệu USD, tăng 197 triệu USD so với kế hoạch kinh doanh gốc và sẽ được tiếp nhận toàn bộ tài sản và công nghệ trị giá 202,8 triệu USD, gồm giá trị tài sản đầu tư theo hợp đồng gốc là 127,8 triệu USD và giá trị tài sản đầu tư mở rộng thêm ngoài hợp đồng gốc là 75 triệu USD.

5. Việc ban hành và thực hiện quy chế tiêu thụ sản phẩm:

Ngày 10-2-1998, HÐQT VNPT có Quyết định số 23 ban hành quy chế về tiêu thụ sản phẩm công nghiệp bưu chính viễn thông nhằm hỗ trợ có điều kiện cho công nghiệp trong nước phát triển. Theo đó, VNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mua sản phẩm cáp quang, cáp đồng của năm công ty liên doanh và công ty cổ phần mà VNPT có vốn góp.

Chỉ tính riêng năm công ty liên doanh, từ năm 2000 đến tháng 6 năm 2003 đã bán cho VNPT 706 tỷ đồng và 61.086.461 USD giá trị sản phẩm. Các công ty liên doanh, công ty cổ phần này cũng đã chia lãi cho VNPT 296,821 tỷ đồng. Việc quy định này là xuất phát từ mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp viễn thông trong nước và đã hỗ trợ có hiệu quả cho các sản phẩm của các doanh nghiệp này cạnh tranh được cả thị trường trong, ngoài nước, nhưng để cơ chế này tồn tại trong một thời gian dài là không phù hợp với cơ chế thị trường và xu thế hội nhập. VNPT đã hủy bỏ quyết định nói trên.

6. Về giá cước viễn thông và quản lý, sử dụng vốn đầu tư:

Báo cáo của Ðoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã nêu lên những hiện tượng không bình thường trong việc áp giá cước viễn thông và quản lý, sử dụng vốn đầu tư của VNPT; và một số lượng khá lớn tiền đã được hạch toán không đúng vào các tài khoản khác nhau của VNPT bị hiểu là thất thoát lớn về tài sản.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận của Ðoàn thẩm định liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì:

- Về giá cước viễn thông: Khi bước vào hội nhập, xuất phát điểm thấp, ngành bưu chính viễn thông nước ta không có vốn, phải tự vay, tự trả nên phải cân đối giá cước đối với một số loại dịch vụ (như điện thoại di động, điện thoại quốc tế) để thu hồi vốn, bảo đảm thanh toán quốc tế và có điều kiện giảm tối đa giá cước đối với dịch vụ điện thoại nội hạt và điện thoại đường dài trong nước, bù lỗ cho các dịch vụ công ích như bưu chính, bưu điện văn hóa xã, v.v...

Theo Quyết định số 99/QÐ-TTg ngày 26-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính viễn thông thì giá cước bưu chính viễn thông không chỉ dựa trên giá thành, mà còn phải bảo đảm cân đối tổng thể trong toàn ngành, phù hợp với chính sách kinh tế - xã hội của Ðảng và Nhà nước, yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông quốc gia, v.v...

Từ năm 1997 đến năm 2002, các dịch vụ viễn thông thuộc danh mục Nhà nước định giá, VNPT không xây dựng phương án giá cước mới mà chỉ thực hiện lộ trình giảm giá cước và thay đổi phương thức tính cước. Việc điều chỉnh phương thức tính cước và các dịch vụ như điện thoại nội hạt, điện thoại đường dài liên tỉnh đều có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, VNPT đã nhiều lần thực hiện giảm giá cước đối với các loại hình dịch vụ của mình (một lần điều chỉnh giá cước điện thoại nội hạt và điện thoại đường dài; bảy lần điều chỉnh giảm giá cước điện thoại quốc tế chiều đi; năm lần điều chỉnh giảm giá cước điện thoại di động, v.v...).

Mặc dù vậy, giá cước viễn thông của Việt Nam vẫn còn cao so với quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu VNPT trình phương án tiếp tục điều chỉnh giảm giá cước với mức độ tích cực hơn, bảo đảm tương đương giá cước của khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội, khả năng thu nhập của các tầng lớp dân cư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập.

- Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư: Việc quản lý, sử dụng và điều hành vốn đầu tư của VNPT còn thiếu khoa học, phân tán, kém hiệu quả. Tổng công ty không kiểm soát được nguồn thu của các đơn vị thành viên để điều hành tập trung đầu tư hợp lý, trong khi có số dư tiền gửi lớn, nhưng VNPT vẫn phải đi vay để đầu tư, dẫn đến tăng chi phí đầu tư. Tuy đã cố gắng giảm mức vay từ 55% năm 2000 xuống 22,8% năm 2002, nhưng VNPT phải tiếp tục chấn chỉnh trong cơ chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Riêng về khoản số dư chi phí trích trước sửa chữa lớn tài sản cố định đặc thù 537,362 tỷ đồng: Theo chế độ sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì VNPT được trích trước sửa chữa lớn đặc thù (thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, v.v...) để bảo đảm giá thành các dịch vụ ổn định, không bị đột biến. Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính, cho phép VNPT được sử dụng số dư trích trước nói trên để thực hiện sửa chữa lớn các tài sản đặc thù trong năm 2004 theo kế hoạch và thực hiện hoàn nhập số dư( nếu còn) vào quyết toán 2004.

- Việc xử lý các khoản phải nộp ngân sách: Nhất trí theo đề nghị của Bộ Tài chính, cụ thể là căn cứ vào cơ chế tài chính và chế độ hạch toán của doanh nghiệp, VNPT phải nộp ngân sách 66,069 tỷ đồng, hạch toán tăng vốn NSNN tại VNPT 6,917 tỷ đồng (tương đương 562.809 USD); được thu về nguồn vốn đầu tư của VNPT 93,790 tỷ đồng; không phải thu về NSNN, không tăng nguồn vốn đầu tư của VNPT số tiền 25,963 tỷ đồng và 495.753,25 USD (trong đó, các đơn vị đang thực hiện cổ phần hóa với số tiền là 15,613 tỷ đồng, 495.753 USD và doanh thu hòa mạng công nghệ CDMA, Cityphone là 10,350 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VNPT thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung kết luận trên.

7. Việc ủy thác nhập khẩu vật tư thiết bị:

Việc VNPT ủy thác cho các đơn vị thành viên có chức năng xuất, nhập khẩu và kỹ thuật chuyên sâu thực hiện là phù hợp với thực tế của ngành. Tuy nhiên, việc đơn vị nhận ủy thác chưa làm hết phạm vi và nội dung công việc mà vẫn hưởng số tiền phí ủy thác là không đúng chế độ, làm tăng giá trị công trình. VNPT đã thấy được sai sót, chấn chỉnh kịp thời và đã xử lý các khoản chi sai chế độ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VNPT kiểm điểm rút kinh nghiệm việc này.

8. Trung tâm công nghệ thông tin (CDIT):

Trung tâm CDIT là đơn vị sự nghiệp có thu, nằm trong Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông, thực hiện nhiệm vụ kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng. CDIT không phải là đơn vị thành viên trực tiếp của VNPT. Việc HÐQT VNPT giao nhiệm vụ cho CDIT triển khai ứng dụng các sản phẩm phần mềm do CDIT nghiên cứu cho các tỉnh, thành phố thông qua 5 gói thầu với dự toán trị giá 11,8 tỷ đồng nhưng ghép trong dự án đầu tư "mạng máy tính phục vụ quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh cho 17 bưu điện tỉnh, thành phố" là trái với quy định. Mặt khác, Giám đốc Trung tâm là con rể Chủ tịch HÐQT nên việc giao cho trung tâm không đúng quy định như trên gây phản ứng ngay trong nội bộ VNPT. Tuy sau khi phát hiện, VNPT đã hủy bỏ các gói thầu với CDIT, đưa nội dung này ra khỏi dự án, nhưng đây là một khuyết điểm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch HÐQT và HÐQT VNPT nghiêm khắc kiểm điểm và chấn chỉnh.

VNPT cũng đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính và yêu cầu CDIT: Kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân bổ sung; điều chỉnh giá trị quyết toán và hạch toán tăng tài sản cố định đối với một số tài sản đã quyết toán vào các đề tài khoa học; thu hồi kinh phí bảo dưỡng tổng đài và một phần kinh phí thực hiện hợp đồng với Bưu điện Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ đồng ý với chỉ đạo này của VNPT.

9. Việc chia đất làm nhà ở cho cán bộ trong dự án "Trung tâm chăm sóc sức khỏe bưu điện phía bắc":

Tại thời điểm năm 2002, Chính phủ đã yêu cầu chấm dứt việc cấp đất chia lô để làm nhà ở, nhưng VNPT lại thực hiện việc nhượng bán 1.917 m2 đất tại lô số 7 Ðịnh Công (đã được mua trước đây để làm nhà ở từ nguồn quỹ phúc lợi) cho cán bộ VNPT, tính giá quá thấp so với giá thị trường ở cùng thời điểm, gây nghi ngờ, thắc mắc trong nội bộ. VNPT đã hủy các quyết định giao đất và thành lập Hội đồng mới để xác định lại giá chuyển nhượng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VNPT kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

10. Dự án mạng điện thoại di động Sài Gòn (Callink):

Dự án mạng điện thoại di động Sài Gòn (Callink) là dự án hợp tác thử nghiệm về điện thoại di động được ký năm 1993 với Tập đoàn Viễn thông Singapore (do con Thủ tướng Lý Quang Diệu làm Chủ tịch). Dự án chưa được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giấy phép chính thức, thực tế đã dừng hoạt động từ năm 1998. Số lợi nhuận có được từ hoạt động thử nghiệm là 108,016 tỷ đồng, hiện đang được phong tỏa tại ngân hàng với lý do dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ðây là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ đối ngoại với Singapore, việc VNPT cho dừng thực hiện dự án với công nghệ cũ (analog) là đúng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có chức năng chỉ đạo xử lý truy thu thuế theo quy định, phân chia lợi nhuận, cho phía đối tác được chuyển lợi nhuận về nước để kết thúc dự án thử nghiệm này.

III- Nhận xét và kiến nghị

Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông được thành lập ngày 24-9-1995 theo mô hình Tổng công ty 91. Trong thời gian qua, VNPT đã có rất nhiều cố gắng, tiến bộ vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Tại thời điểm thành lập, VNPT có 88 đơn vị thành viên (trong đó có 71 đơn vị hạch toán phụ thuộc), tổng vốn chủ sở hữu 2.111 tỷ đồng. Năm 1995 tổng doanh thu đạt 4.200 tỷ đồng, nộp ngân sách 824 tỷ đồng, tổng số thuê bao điện thoại 774.000 máy (tương ứng 1 máy/100 dân).

Sau gần 10 năm hoạt động, VNPT đã phát triển mạnh về cả chiều rộng và chiều sâu. Tính đến hết năm 2003, VNPT có 94 đơn vị thành viên (trong đó có 80 đơn vị hạch toán phụ thuộc) với các chỉ số phát triển so với khi mới thành lập như sau: Tổng vốn chủ sở hữu 29.608 tỷ đồng, tăng gấp 11,8 lần. Ðến tháng 9 năm 2004 tổng số thuê bao điện thoại xấp xỉ chín triệu máy, tương ứng 11 máy/100 dân, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng đề ra là 7-8 máy/dân. Doanh thu năm 2003 đạt 24.997 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD). Nộp ngân sách năm 2003 là 4.115 tỷ đồng (khoảng 275 triệu USD). Mạng viễn thông đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tương thích và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới, đáp ứng các nhu cầu thông tin trong nước và ra quốc tế, mở nhiều dịch vụ mới và đa dạng.

Trong giai đoạn phát triển vừa qua, VNPT phải hoạt động trong một thời gian khá dài bị bao vây, cấm vận và chủ yếu là hoạt động theo cơ chế tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về nguồn vốn. VNPT đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thông tin đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước; phát triển ngành công nghiệp bưu chính viễn thông trong nước, đã có sản phẩm xuất khẩu; phát triển nhanh internet; duy trì và mở rộng các dịch vụ công ích đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Ðến nay, công nghệ viễn thông Việt Nam đạt mức trung bình cao của khu vực và là một trong các nước dẫn đầu về tốc độ phát triển điện thoại trong nhiều năm nay.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, VNPT còn có những tồn tại, thiếu sót về tổ chức, quản lý, trình độ cán bộ, đầu tư, xây dựng cơ bản, v.v. Việc tồn tại một số đơn vị hạch toán phụ thuộc quá lớn trong mô hình tổ chức và cơ chế hạch toán kinh doanh hiện nay của Tổng công ty là điểm yếu kém và cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót, khuyết điểm, đã được phát hiện qua thanh tra tại VNPT. VNPT phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, đề ra biện pháp chấn chỉnh, để tiếp tục phấn đấu, phát triển nhanh, bền vững hơn, sớm trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðồng chí Ðỗ Trung Tá, Ủy viên Trung ương Ðảng, Ðại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông với tư cách là Chủ tịch HÐQT VNPT thời kỳ 1995 - 12-2002 và Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông từ 12-2002 đến nay, đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của VNPT, phải cùng với lãnh đạo VNPT qua các thời kỳ kiểm điểm về những thiếu sót, khuyết điểm nói trên và tổ chức xử lý nghiêm túc theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy qua kết quả thanh tra chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, nhưng với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Ban cán sự Ðảng - Chủ tịch HÐQT VNPT, đồng chí cần nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những việc VNPT không thực hiện đúng các quy định, quy chế của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo VNPT thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Bưu chính - Viễn thông theo dõi, chỉ đạo VNPT kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm nêu trên và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Việc một số báo chí đưa tin về những sai phạm của VNPT trong đó có một số thông tin và số liệu chưa chính xác, khi chưa có kết luận chính thức của cấp có thẩm quyền, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG Đã ký
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên