09/08/2004 22:42 GMT+7

Rừng tràm U Minh Hạ bị "bức tử"?

PHƯƠNG NGUYÊN - THANH TOÀN
PHƯƠNG NGUYÊN - THANH TOÀN

TT - Rừng tràm U Minh Hạ và hệ sinh thái ngập nước độc đáo nhất thế giới đang biến thành nơi trồng rừng keo lai! Cả ngàn hecta rừng tràm đang ngày đêm bị con người, xe cơ giới... đốn hạ, san bằng.

GsznqIyc.jpgPhóng to
Vườn ươm giống keo lai
TT - Rừng tràm U Minh Hạ và hệ sinh thái ngập nước độc đáo nhất thế giới đang biến thành nơi trồng rừng keo lai! Cả ngàn hecta rừng tràm đang ngày đêm bị con người, xe cơ giới... đốn hạ, san bằng.

Phá rừng cho thuê

Thông tin UBND tỉnh Cà Mau cho triển khai đại trà dự án trồng cây keo lai thay thế cây tràm ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ đang dấy lên làn sóng phản đối trong người dân. Chúng tôi đã xuống tận lâm phần nơi giáp ranh giới giữa rừng đặc dụng Vồ Dơi và khu rừng kinh tế của Lâm ngư trường U Minh 3 (đã giao cho trại giam K1- Cái Tàu).

Một khoảng rừng rộng chừng 1.500ha với màu xanh của cây tràm non bạt ngàn đang trở thành “một công trình lớn”, bởi ban giám thị trại giam K1 - Cái Tàu đã quyết định xới từng tấc đất, gốc tràm lên. Đi vỏ lãi dưới những dòng kênh, nhìn lên trên, những thân tràm còn tươi non chất thành đống, rừng không còn tồn tại trước những lưỡi búa của công nhân và sức kéo của máy ủi.

1.000ha rừng cây keo lai đã được triển khai trồng trong khu vực trại giam này. Nhưng đâu chỉ thế, khu vực này đã được “duyệt phá” đến 1.500ha tràm để trồng cây keo. Xáng cạp đào xuống với độ sâu từ mặt liếp đến đáy 2,5m, mương rộng hơn 10m, đắp liếp dài 20m.

Toàn bộ khu rừng tràm tái sinh và rừng tràm cao sản mới trồng đã bị triệt hạ, vùi lấp dưới lớp bùn đất vừa đào lên. Không còn nơi trú thân nên sau cơn mưa đầu mùa, đàn cá đồng chạy xanh nước sang trú ẩn các khu vực chưa được đào bới tới. Thế mà hàng chục xáng cạp cỡ lớn vẫn hối hả thi công.

Mặc dù bị săn bắt nhiều, nhưng môi trường sinh thái rừng cũng được cải thiện. Có 250 loài thực vật, 185 loài chim, 24 loài thú, 18 loài bò sát, 8 loài dơi, 208 loại côn trùng và 34 loài thủy sản còn tồn tại ở rừng U Minh Hạ. Trong đó có nhiều loại quí hiếm được ghi trong sách đỏ cần được bảo vệ. Tỉnh Cà Mau từ năm 1992 đã xã hội hóa nghề rừng bằng cách tiến hành giao khoán rừng cho trên 5.000 hộ dân, những hộ này ngoài việc canh tác nông nghiệp trên phần đất bìa rừng còn có trách nhiệm bảo vệ rừng trên lâm phần được giao. Tất cả cũng vì màu xanh cánh rừng U Minh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh đã cho phép Công ty cổ phần Đồng Nai thuê đất thực hiện dự án trồng cây keo lai trên đất rừng tràm U Minh Hạ làm nguyên liệu giấy và chế biến xuất khẩu; thời hạn cho thuê 49 năm. Cụ thể: thuê tại hai địa điểm Lâm ngư trường Trần Văn Thời và Lâm ngư trường U Minh 3 với tổng diện tích 2.946ha, giá cho thuê 30 đồng/m2/năm.

Không biết trồng keo có lợi thế nào nhưng trước mắt thì một cán bộ của Lâm ngư trường U Minh 3 than thở: “Nếu tính giá trị tối thiểu 10 triệu đồng /ha rừng tràm thì chúng tôi mất trắng gần 200 tỉ đồng trên diện tích khoảng hơn 2.000ha.

Trong khi đó chúng tôi chỉ được bồi thường chưa tới 1,5 tỉ đồng. Không chỉ thế, trên 20 nhân viên gắn bó với rừng hàng chục năm cũng phải mất việc!”. Trong khi đó, thượng tá Trần Hoàng Thọ, giám thị trại giam K1- Cái Tàu trực tiếp chỉ huy thi công, cho biết: cây keo lai đã được trồng ở khu vực trại giam từ mấy năm qua, phát triển tốt và đang đến kỳ khai thác sẽ mang về cả trăm tỉ đồng.

Lý do: theo hợp đồng thực hiện dự án liên doanh với Công ty cổ phần Đồng Nai, trại giam K1 - Cái Tàu được chia 60% chu kỳ 1 (thời gian bốn năm) và các chu kỳ sau tăng lên 70% lợi nhuận. Phía Công ty cổ phần Đồng Nai chịu toàn bộ chi phí đầu tư với khoảng 20 tỉ đồng, bao tiêu sản phẩm.

Hiện khu vực trại giam K1 đang được Công ty cổ phần Đồng Nai ươm khoảng 500.000 cây và theo kế hoạch vườn ươm sẽ mở rộng 5ha mới có thể đáp ứng nhu cầu giống cho việc đang “hạ sát” rừng tràm U Minh Hạ.

Sẽ thành... rừng keo lai!

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau lý giải: việc trồng cây keo lai thế cây tràm là chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Cây keo lai cũng là một cây công nghiệp, trồng loại cây này cũng là một hình thức đa dạng hóa cây, con và nhà đầu tư cũng hứa sau này sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nguyên liệu giấy ở Cà Mau! Song, theo ông Nguyễn Thành Vinh- phó giám đốc Sở NN&PTNT: “Cho đến nay Công ty cổ phần Đồng Nai vẫn chưa trình được phương án sử dụng đất như thế nào”.

Về mặt môi trường, ông Lý Nhạn, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này, cho biết: “Chúng tôi không nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường khi các đối tác đang thi công phần đào mương lên liếp để trồng cây keo lai”.

Còn ông Ngô Chí Dũng, giám đốc Sở NN&PTNT, cũng ưu tư: “Nếu cây tràm không có tính hiệu quả cao thì có cây khác thay thế, nhưng phải tính toán một cách toàn diện. Nếu trồng cây keo lai mà đào bới kiểu này thì nơi đây sẽ thải ra một lượng phèn cực lớn cho cả khu vực, ảnh hưởng đến cả vùng nông nghiệp lúa - cá.

Phải đánh giá hiệu quả nhiều mặt của dự án này: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và tác động môi trường sinh thái. Việc chưa có đánh giá tác động môi trường cụ thể, khoa học nhưng vẫn làm thì rất nguy hiểm”.

Ấy thế mà hiện nay khu vực rừng tái sinh, rừng tràm cao sản, xạ hạt với nhiều độ tuổi khác nhau rộng chừng 2.900 ha của Lâm ngư trường U Minh 3, Trần Văn Thời đã được cắm mốc để triển khai trồng cây keo lai theo quyết định của UBND tỉnh.

Cũng phải nói thêm, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Việt đã thông báo chấp nhận cho thuê 5.000 ha rừng và điều chỉnh thêm 20.000 ha rừng để trồng cây keo lai. Như vậy, diện tích cây keo lai chiếm một nửa diện tích rừng tràm U Minh Hạ (Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết lâm phần rừng tràm U Minh Hạ hiện nay còn khoảng 56.000ha, trong đó chỉ có 35.000 ha rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện U Minh).

Và nếu như theo quyết định của UBND tỉnh Cà Mau, trong nay mai rừng tràm U Minh Hạ sẽ trở thành.. rừng keo lai U Minh Hạ (?).

Ông Ngô Đức Hiệp (phân viện trưởng Phân viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ): Đây là việc làm không ổn!

Nếu có qui hoạch thay thế đến 25.000ha rừng tràm bằng cây keo lai thì rõ ràng đây là việc làm không ổn vì Chính phủ đã có chỉ đạo trồng, giữ diện tích 35.000ha rừng tràm. Cây keo lai không thể trồng trên đất ngập nước của cây tràm, vì vậy phải xẻ kênh lên liếp cao và như thế sẽ xảy ra hiện tượng “đổ phèn” làm ảnh hưởng đến sản xuất nông, ngư nghiệp. Mặt khác hệ sinh thái cũng sẽ bị xáo trộn. Việc làm này nên cân nhắc kỹ vì giá trị cây keo lai chỉ bằng một nửa cây tràm.

TS Nguyễn Văn Bé (bộ môn môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ): Không nên vì lợi ích trước mắt

Về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, các nhà khoa học luôn khuyến cáo không nên đưa những loại cây ngoại lai vào trồng trên đất rừng bản địa. Các nhà khoa học không ai đồng tình với việc đưa cây keo lai trồng trên đất rừng tràm U Minh Hạ vì như thế sẽ phá vỡ đa dạng sinh học bởi không ai biết được cây keo lai liệu có giữ được hệ sinh thái rừng tràm đa dạng như lâu nay (dưới tán rừng có cá, các loài động vật quí, chim, ong...).

Đó là chưa kể đến việc cây tràm có tác dụng làm tăng độ màu mỡ của đất trong khi cây keo lai có nhiều khả năng hút hết độ phì nhiêu, gây bạc màu đất như cây bạch đàn trước đây. Cho nên nếu viện lý do trồng keo lai trên đất rừng kinh tế cũng không ổn, bởi lẽ phát triển và khai thác rừng phải có tính bền vững; nếu vì món lợi trước mắt mà sau đó gây bạc màu đất, phá hoại môi trường sinh thái bền vững lâu nay thì rõ ràng không nên.

Nói về hệ sinh thái rừng thì phải chú trọng hai giá trị: thứ nhất là giá trị kinh tế thì có thể cân đong được; giá trị thứ hai là sinh thái, giá trị vô hình, mà giá trị này phải được đánh giá chính xác bởi các nhà khoa học chuyên ngành. Trong bất cứ dự án trồng rừng nào cũng cần phải xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật; việc chưa có luận chứng kinh tế kỹ thuật mà đào bới đất rừng như hiện nay sẽ làm cho đất rừng U Minh Hạ lâm vào tình trạng nhiễm phèn nặng, tác động xấu cả một vùng rộng lớn.

PHƯƠNG NGUYÊN - THANH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên