27/06/2017 11:30 GMT+7

Cứ 100 trẻ gái lại "thừa" 20 trẻ trai

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cả nước hiện vẫn còn 45 tỉnh, thành phố có tỉ số giới tính khi sinh (tỉ lệ trẻ trai/trẻ gái) gia tăng và mức cao: tỉ lệ sinh ra giữa trẻ trai và trẻ gái là 120,2/100, thậm chí có khi tới 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Đây là những con số được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra sau 1 năm triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Một khảo sát khác từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới đây cho thấy, cả nước có 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Nghiên cứu của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cũng chỉ ra rằng, tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo đó, tỉ số này gia tăng ở 4 vùng là trung du và miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại trung du và miền núi phía Bắc tăng từ 108,5 lên 116,1 trẻ trai/100 trẻ gái và ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 109,9 lên 114,1. Trong khi ở Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tỉ số giới tính khi sinh có mức giảm từ 109,7 xuống 105,5.

Vụ Thống kê dân số và lao động còn chỉ ra, trình độ học vấn của phụ nữ càng tăng thì tỉ số giới tính khi sinh cũng tăng: Từ mức 106 đến 111 ở bậc tiểu học, đến mức 113 ở bậc THPT và 115 ở bậc đại học trở lên. Trong đó, tỉ số giới tính khi sinh của lần sinh đầu tiên và lần sinh thứ 2 khi chưa có con trai ở mức giống nhau, nhưng đặc biệt mất cân bằng xảy ra tại lần sinh thứ 3 khi chưa có con trai.

Lý giải việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, các chuyên gia vẫn cho rằng nguyên nhân phần lớn là do nhiều gia đình vẫn suy nghĩ phải có con trai để nối dõi tông đường. Điều này đã khiến tỉ số giới tính khi sinh tăng lên cao 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỉ lệ này là 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Nếu tỉ số này không được cải thiện trong thời gian tới, hệ lụy xã hội sẽ rất lớn khi thừa nam thiếu nữ, nhất là thiếu ở độ tuổi kết hôn, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không kết hôn. Từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỉ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao, kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới…

GS. Youngtae Cho (Đại học quốc gia Seoul, Trường Y tế Công cộng Hàn Quốc) cho biết, trước đây, tại Hàn Quốc, khi tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em còn cao, thì nhiều gia đình vẫn muốn có 2 con và hy vọng có ít nhất 2 con trai, để nếu có chuyện gì xảy ra với đứa con trai đầu lòng thì đứa con thứ 2 có thể thay thế.

Để thay đổi suy nghĩ này của người dân, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông và giáo dục mạnh mẽ. Đồng thời quy định về các dịch vụ y tế có mục đích đọc, xác định giới tính thai nhi và những trường hợp vi phạm có thể sẽ bị rút giấy phép, thậm chí áp dụng phạt hành chính hoặc/và bỏ tù.

Theo GS. Youngtae Cho, cần thế tục hóa các giá trị truyền thống, như tại sao nhiệm vụ gia đình lại chỉ dành riêng cho con trai, nhất là trên thực tế, nhiệm vụ trong gia đình đã yếu đi. Một bài học từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái là “con trai hỏi tiền, con gái mang tiền” cũng giúp các gia đình Hàn Quốc dần thay đổi quan niệm.

Ông Youngtae Cho cho rằng, Việt Nam có thể đạt được mong muốn cân bằng tỉ số giới tính khi sinh khi tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em được cải thiện và con gái được đối xử gần như là bình đẳng với con trai.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên