24/11/2016 14:57 GMT+7

​Số xét nghiệm HIV phát hiện nhiễm mới tiếp tục giảm

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

Theo thông tin mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số người xét nghiệm HIV phát hiện mới tiếp tục giảm, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2015.

Trong 10 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện 8.059 trường hợp nhiễm mới HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS là 5.266 người, số người nhiễm HIV tử vong là 1.592 trường hợp. Ước tính hết năm 2016 sẽ có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, 6.500 người chuyển sang AIDS và có khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong.

Phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV, nam giới chiếm 69,8%, nữ giới chiếm 30,2%, lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, lây nhiễm qua đường máu chiếm 34%, lây truyền HIV từ mẹ truyền sang con là 2%.

Lây truyền dịch HIV/AIDS thay đổi từ lây truyền qua đường tiêm chích ma túy sang lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Những người nhiễm HIV mới không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước đây, mà là lây nhiễm HIV xảy ra trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. 

Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó tiếp cận. 

Trong khi đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các chương phòng, chống AIDS liên tục bị cắt giảm. Do đó, những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nên chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Vì vậy, các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. 

Dự kiến trong thời gian từ năm 2017, các tổ chức quốc tế đa phương và song phương sẽ giảm nhanh việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS, nếu còn thì chủ yếu hỗ trợ về kỹ thuật, do đó, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc bảo đảm điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 

Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang hệ thống điều trị thanh toán qua bảo hiểm y tế, tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm vẫn còn thấp, do đó, ngành y tế đang nỗ lực để phấn đấu đạt 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tới.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên