15/06/2016 16:08 GMT+7

​Tìm giải pháp khôi phục đại ngàn Tây Nguyên

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 5 năm (2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%.

Kết quả tổng điều tra kiểm kê rừng các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, diện tích rừng có trữ lượng ở khu vực Tây nguyên là gần 2 triệu ha, chiếm 77,6% diện tích đất có rừng với tổng trữ lượng gỗ là 302 triệu m3. Rừng tại khu vực Tây Nguyên gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu.

Trong những năm qua, để phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh khu vực này. Mặc dù vậy, đến nay lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho diện tích, chất lượng rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Trong khi đó, tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Tây Nguyên có 2.062 cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc, trong khi có tới 1.377 cơ sở sản xuất đồ mộc, thì chỉ có 685 cơ sở chế biến gỗ. Do phát triển mất cân bằng như vậy nên việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ kém hiệu quả. Các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở chế biến, đặc biệt là những xưởng chế biến gỗ gần rừng, không gắn với nguồn nguyên liệu, làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp tại đây.

Công tác giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên theo chủ trương xã hội hóa chậm. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quản lý, sử dụng gần 3 triệu ha, vẫn chiếm hơn 87% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Do việc thực hiện công tác giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng còn hạn chế, nên diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hiện đang bị tranh chấp là gần 283.000 ha, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp.

Tổng diện tích trồng rừng thay thế của các tỉnh Tây Nguyên tính lũy kế đến 30/03/2016 là gần 5.000 ha, đạt 22% tổng diện tích phải trồng rừng thay thế. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể của các tỉnh, đến nay mới có 2 tỉnh là Kon Tum và Gia Lai phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp. Vì vậy, cũng chưa thực hiện được việc bàn giao đất ngoài phương án sử dụng và tài sản không cần dùng cho địa phương.

Dự kiến ngày 20/6 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị để bàn giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Bộ này đưa ra mục tiêu để bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực này đến năm 2020 là diện tích rừng đạt 2,71 triệu ha và nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,8%. Đồng thời sẽ phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: rừng Tây Nguyên