23/03/2017 08:00 GMT+7

​Giúp bệnh nhi bị hội chứng Apert vượt qua nghịch cảnh

T.T
T.T

Ít ai có thể ngờ rằng cậu bé H.T.Đ. đã 15 tuổi bởi em mang hình hài nhỏ thó đến đáng thương với khuôn mặt bị gãy gập, hộp sọ méo mó, bàn tay và bàn chân với những ngón dính chặt vào nhau... Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiến hành phẫu thuật chỉnh hình dị tật bàn chân giúp bé Đ. dễ dàng di chuyển đi lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (HMSG), em Đ. bị mắc hội chứng Apert - một hội chứng đa dị tật cực kỳ hiếm gặp với xác suất 1/65.000 trẻ em sinh ra mắc phải. Hội chứng Apert gây nên sự phát triển bất thường của hộp sọ và các xương khớp, khiến cơ thể trẻ bẩm sinh chịu nhiều khiếm khuyết cả về thẩm mỹ lẫn chức năng. Do vậy, để chữa trị, bệnh nhân cần phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật tốn kém và phức tạp để tạo hình cũng như phục hồi chức năng. Đặc biệt, em Đ. lại là trường hợp dị tật nặng và lớn tuổi nhất mà BS. Lãm từng gặp.

Tấm lòng những "lương y như từ mẫu"

Trong chuyến thăm và tặng quà "Xuân yêu thương 2017" do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tổ chức tại Trường thiểu năng Hoa Phong Lan - Đà Lạt, chị Phạm Thị Minh Thu - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ đã giới hiệu trường hợp của Đ. với các bác sĩ trong đoàn và đề nghị hỗ trợ. 

"Trước Hoàn Mỹ Sài Gòn, đã có một bệnh viện thực hiện phẫu thuật giúp tách các ngón tay để Đ. có thể cầm nắm được. Tuy nhiên, phần dị tật ở chân vẫn chưa được xử lý khiến việc vận động của em rất khó khăn và không thể mang giày được mà phải đi dép rọ trong thời tiết lạnh giá của Đà Lạt" - chị Minh Thu xúc động cho biết.

Với hội chứng Apert, dị tật ở chân thường ít được phẩu thuật xử lý nhưng trường hợp bé Đ. chân không chỉ dính ngón mà còn cong rất nặng, nặng nhất trong các trường hợp được phát hiện. Với mong muốn giúp em có thể vận động dễ dàng và hòa nhập xã hội tốt hơn, các bác sĩ Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thống nhất với gia đình sẽ phẫu thuật cắt bớt xương ở giữa để làm phẳng bàn chân lại.

Để trẻ khuyết tật không còn là gánh nặng

"Đây không phải là một ca mổ lớn hay phức tạp nhưng với một đứa trẻ khuyết tật, thể trạng yếu thì cũng là cả một vấn đề cho chính bản thân em và ê-kip thực hiện. Đặc biệt, các bệnh nhân hội chứng Apert có cấu trúc mạch máu rất bất thường nên tiềm ẩn rủi ro lớn trong quá trình thao tác mổ, có thể làm đứt hoặc tổn thương gây hoại tử" - BS. Lãm chia sẻ trước ca mổ.

Sau hai giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công tuy chỉ giúp phục hồi tương đối chức năng bàn chân của Đ. nhưng đã giúp những bước chân tiếp theo trong cuộc đời em trở nên dễ dàng và không còn đau đớn, giúp gia đình em phần nào nhẹ đi gánh nặng.

Nhìn Đ. không còn khổ sở bước đi trong ngày xuất viện và niềm vui trong ánh mắt mẹ của bé, cả ekip phẫu thuật và điều trị tại Hoàn Mỹ Sài Gòn đều cảm thấy hạnh phúc và mừng thay cho bé.

Công tác trong ngành y tế và thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ em khuyết tật bẩm sinh ở khắp Việt Nam, chị Thu luôn day dứt rằng: "những khuyết tật này, các em có thể không phải gánh chịu nếu được phát hiện và xử lý sớm từ trong thai kỳ. Giá như công tác xét nghiệm, thăm khám tiền sản của chúng ta được chú trọng nhiều hơn và tốt hơn, xã hội sẽ giảm thiểu được gánh nặng do dị tật bẩm sinh gây nên" chị Minh Thu chia sẻ.

T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hội chứng Apert