27/02/2017 11:30 GMT+7

​Phát triển nhà ở xã hội: trọng tâm là chủ đầu tư và người thụ hưởng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Kiến nghị giải pháp cho nhà ở xã hội không chỉ vì nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn vì tính nhân văn.

Với khẳng định này, trọng tâm của các đề xuất chính sách mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới gửi đến UBND TP.HCM đều hướng đến chủ đầu tư dự án và người có nhu cầu mua nhà.

Rào cản với chủ đầu tư nhà ở xã hội: Vốn và giấy phép

Trước hết, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chuyện cấp thiết hàng đầu để phát triển nhà ở xã hội lúc này là các bộ ngành phải sớm bắt tay hỗ trợ người có nhu cầu mua nhà ở xã hội theo Chỉ thị 03/CT-TTg. Bởi tính đến nay, các trường hợp mua được nhà ở xã hội theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đều rơi vào gói cho vay 30.000 tỷ đồng. Và gói tín dụng này xem như cũng đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó.

Tương tự, cũng căn cứ trên chỉ thị 03/CT-TTg, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng ngành ngân hàng cần thực hiện ngay khoản (1.c) điều 58 Luật Nhà ở về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, tức cho đối tượng này cần được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác.

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định quỹ đất nhà ở xã hội có được do trích lập từ 20% quỹ đất kinh doanh của các dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn, cần được quản lý và sử dụng hiệu quả. Với các dự án được quy đổi nghĩa vụ tạo quỹ đất nhà ở xã hội nhưng được quy nộp bằng tiền, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn về cơ chế quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội địa phương. Song song đó, Bộ Tài chính cần ra cơ chế bảo lãnh các nguồn vốn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành phố có nhu cầu.

Để “cởi trói” khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Tương tự, Sở Xây dựng các địa phương cũng nên là cơ quan được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Như vậy sẽ nhanh hơn và hạn chế được tiêu cực xin-cho của quy trình hiện nay là tách quyết định cấp phép xây dựng thành 2 khâu chia cho Cục Quản lý Các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng các địa phương xử lý.

Ngoài ra, một số quy định khác về thẩm quyền duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy cho công trình hay thẩm quyền quyết định chiều cao tối đa công trình cũng được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị phân quyền về cho các sở chức năng.

Hiệp hội này cũng kiên trì kiến nghị Chính phủ cho thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án căn hộ cho thuê, nhà trọ, phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2; xin miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án nhà ở xã hội và cả dự án căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng).

Gánh nặng tài chính: Mối lo lớn của người mua nhà ở xã hội

Theo tính toán của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, yêu cầu về mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện chưa hợp lý và còn quá cao so với thu nhập của các đối tượng chính sách. Vì vậy, cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cũng nên bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi dài hạn (trên 12 tháng), để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội, thay vì chỉ trả mức lãi suất 5%/năm như hiện nay. Trong tương lai, nếu các cân đối kinh tế tốt hơn thì nên giảm mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội về còn từ 3-3,5%/năm (lãi suất nhà ở xã hội năm 2017 là 5%/năm).

Một chính sách khác mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng không phù hợp với thông lệ cho thuê nhà hiện nay trên thị trường. Đó là người đi thuê nhà ở xã hội phải đặt cọc bên cho thuê nhà một khoản tiền ít nhất bằng 3 tháng tiền thuê nhà. Khoản tiền đặt cọc này quá nặng và theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì nên điều chỉnh còn tương đương tiền thuê từ 1 đến 3 tháng mà thôi.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên