16/01/2017 13:30 GMT+7

​Bệnh thường gặp trong ngày Tết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Vào dịp tết, sự thiếu điều độ trong đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi... là nguy cơ phát sinh bệnh tật, làm tiến triển bệnh mạn tính và phát sinh bệnh cấp tính.

Trong những ngày lễ tết, số ca cấp cứu thường tăng 20- 30% so với ngày thường. Đối tượng mắc bệnh là toàn xã hội, từ người già đến trẻ em, từ người lành đến người bệnh. Các vấn đề về sức khỏe có thể chỉ là cảm cúm, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa..., nhưng cũng có thể là các tai biến nguy hiểm. Do đó, mỗi người cần chuẩn bị một sức khỏe tốt để an tâm ăn Tết và chào đón một năm Đinh Dậu tràn đầy sinh lực.

Bệnh về gan mật

Ăn uống vào dịp Tết thường không điều độ dễ phát sinh béo phì, gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp và viêm gan do rượu… 

Gan nhiễm mỡ, viêm gan: Người có tiền sử bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B hoặc có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ (béo phì, đái đường, tim mạch…) nên có chế độ sống cân bằng, phòng những biến chứng nặng nề như viêm gan tiến triển hoặc xơ gan.

Viêm gan do rượu: Biểu hiện chán ăn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Diễn biến nặng nề sau thời gian uống rượu nhiều và liên tục. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt với những người có tiền sử bệnh gan mật. Không nên uống hơn 2 cốc rượu nhỏ một ngày. Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen (Panadol, Decolgen, Efferalgan, Alaxan...). 

Ngộ độc thức ăn

Nguyên nhân: dùng thức ăn kém vệ sinh, ôi thiu; không quen thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau.

Biểu hiện: nôn ói và đi tiêu chảy; tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn.

Xử lý:

- Tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra vì cơ thể không hấp thu được.

- Cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất.

- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy trừ khi đi quá nhiều lần và kéo dài, vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.

- Bệnh nhân tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

Viêm dạ dày cấp

Nguyên nhân: chủ yếu là do uống nhiều rượu và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt…

Biểu hiện: chủ yếu là đau bụng cồn cào nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen, phải được đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy tuyệt đối không uống các loại nước ép trái cây có vị chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu... vì loại trái cây này có nhiều chất hữu cơ làm tăng axít dạ dày, gây ợ nóng.

Bệnh táo bón

Nguyên nhân: chế độ ăn ít chất xơ và thiếu vận động; lạm dụng cà phê và các loại nước giải khát có chứa cafein càng làm cho cơ thể mất nước.

Tránh bị táo bón nên:

- Ăn đủ chất xơ: lớn hơn hoặc bằng300g rau/ngày (rau quả, trái cây, các loại đậu, bột ngũ cốc nguyên vỏ cám).

- Uống nhiều nước: từ 6-8 cốc nước mỗi ngày (tương đương từ 1,5-3 lít). Uống nước vào buổi sáng sớm, trước khi ăn, sẽ kích thích nhu động ruột khiến việc đi tiêu dễ dàng hơn.

- Các loại nước trái cây, nước rau luộc cũng rất tốt.

Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp

Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh. Khi cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì có khả năng đã bị cúm, có thể dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang...

Phòng bệnh: mặc ấm khi trời lạnh, không dùng chung khăn mặt và bàn chải đánh răng với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi.

Nếu bị cảm lạnh, nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, đồng thời bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe.

Bệnh nhân bị sốt không nên uống nước ép trái cây ngọt vì dễ làm tăng đường huyết, khi đó các tế bào bạch cầu sẽ diệt khuẩn chậm chạp hơn.

Đái tháo đường

Thành phần thực phẩm trong bữa ăn phong phú, có nhiều loại ảnh hưởng đến đường máu, lipid máu, đặc biệt tăng đường huyết sau ăn. Đồ uống như bia có chứa nhiều đường, còn uống nhiều rượu sẽ không có lợi cho tim mạch và huyết áp, mà bệnh nhân đái tháo đường 50- 70% có biến chứng tim mạch.

Người bệnh đái tháo đường cần nhớ nguyên tắc: trước Tết, nên kiểm tra sức khoẻ để bác sĩ điều chỉnh đường máu, huyết áp, mỡ máu về giới hạn tối ưu, dùng thuốc đúng và đủ liều (phải bảo đảm đủ thuốc trong những ngày Tết). Ngay sau Tết nên đi khám lại sớm nhất nếu có thể. 

Trong những ngày Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, không vì vui mà quên uống thuốc, chích insulin.

Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế tối đa uống nước ép nho và các loại trái cây có vị ngọt vì chúng chứa nhiều đường fructose, có thể gây tăng đường huyết, có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng hạn chế không nên dùng quá 1 lon/ngày. Tránh uống bia, rượu quá độ. Giờ giấc sinh hoạt cố gắng đảm bảo điều độ.

Người bệnh đái tháo đường cần giới hạn lượng nếp từ bánh chưng, bánh tét. Không nên ăn quả khô sấy, trái cây ngọt mà thay bằng trái cây nhiều nước như bưởi, thanh long, mận và rau.

Bệnh Gút

Nhiều yếu tố tác động có thể gây khởi phát cơn gút cấp hoặc làm nặng thêm  tình trạng bệnh. Đầu tiên là chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều rượu bia. Chế độ ăn giàu đạm thịt như các loại thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản, trứng gia cầm là nguyên nhân quan trọng gây khởi phát cơn gút. 

Ngoài chế độ ăn uống thì chế độ sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố góp phần khởi phát cơn gút cấp. Người mắc bệnh gút còn có thể mắc nhiều bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo, nên khám trước và sau Tết để dự phòng thuốc, sẵn sàng phòng xảy ra cơn gút cấp.

Những người bệnh gút nên ăn gạo, hoa quả các loại giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm. Tuyệt đối không ăn, uống bất kỳ một dạng chất chứa cồn nào như rượu, bia. 

Duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ. Trong ngày Tết vẫn cần các bài tập rèn luyện sức khỏe như ngày thường.

Đột quỵ

Tai biến này cũng thường tăng cao trong những ngày lễ tết. Cách phòng ngừa cũng tương tự như đối với bệnh tăng huyết áp. Người bệnh tim mạch cần mang theo mình các thuốc tim mạch thường dùng để phòng bất trắc. Phải ngừng mọi hoạt động, nằm ở một nơi yên tĩnh, uống thuốc trợ tim và gọi ngay cấp cứu khi thấy những dấu hiệu.

Những dấu hiệu cần lưu ý:

- Đau ngực trái, khó thở…

- Mệt mỏi, tê cứng ở cánh tay, chân, mặt hay một bên cơ thể.

- Hoa mắt, choáng váng khiến không nhìn thấy mọi vật, sây xẩm mặt mày, đứng không vững, khó nghe và khó nói.

Tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên; dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp Tết để có thể phòng ngừa và xử trí kịp thời.

Quan tâm đến việc ăn uống trong ngày Tết như thế nào cho đúng?

Trong ngày Tết, mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn so với bình thường, chia làm nhiều bữa. Món ăn bánh chưng, bánh tét hầu như có đủ các chất dinh dưỡng gồm đạm, tinh bột và mỡ, chỉ thiếu thành phần xơ (không quá 200g/ngày). 

Các món thịt nguội, giò chả chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe (không quá 100g/ngày). 

Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao nên không phù hợp với người tăng huyết áp, đái tháo đường.

Giữa bao nhiêu loại thực phẩm đe dọa sức khỏe thì trái cây được xem là lành hơn cả. Đối với người bình thường có thể dùng 2 hoặc 3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương một trái táo, hoặc ba múi bưởi, hoặc hai trái mận, hoặc một trái cam, hoặc một góc dưa hấu…).

Kết luận

Không có thức ăn nào là hoàn toàn xấu hay tốt. Thức ăn tốt hay xấu phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ ba bữa chính trong ngày.

Thuốc lá làm rối loạn chức năng điều hòa mạch máu (vận mạch), hoạt hóa tiểu cầu, tăng đông máu, tăng huyết áp và nhịp tim, khởi phát và thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch tiến triển.

Nghỉ ngơi hợp lý, nên đi ngủ đúng giờ, đủ giấc.

Người bình thường uống 300-400ml bia hoặc 60ml rượu nhẹ (rượu vang)/ngày là tốt cho sức khỏe.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ngày Tết dinh dưỡng