16/12/2016 11:00 GMT+7

​Lưu ý đối với lao động đi làm việc tại Saudi Arabia

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Người lao động đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia phải thông qua các doanh nghiệp có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Bộ LĐTB&XH cấp và có hợp đồng cung ứng lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước này được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận.

Đây là những khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước dành cho lao động đi làm giúp việc tại Saudi Arabia để tránh những rủi ro khi đi làm việc tại thị trường này.

Người lao động khi đi làm giúp việc tại Saudi Arabia cần đáp ứng yêu cầu: tuổi từ đủ 21-47, có trình độ học vấn từ tiểu học trở lên, có nhu cầu và khả năng làm việc phù hợp với đặc thù công việc giúp việc gia đình, có đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài theo quy định, không có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh, thấp khớp. Ngành nghề tuyển chọn gồm: giúp việc nhà, trông trẻ, làm vườn, lái xe gia đình (nam).

Người lao động phải tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo lao động đi làm giúp việc tại Saudi Arabia tại các cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước kiểm tra, chấp thuận trong thời gian tối thiểu là 1,5 tháng với các nội dung: bồi dưỡng kiến thức cần thiết, dạy tiếng Arab cơ bản, đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình.

Về chi phí trước khi đi, người lao động được chủ sử dụng lao động đài thọ toàn bộ chi phí đào tạo và chi phí xuất cảnh (bao gồm phí visa, vé máy bay lượt đi và lượt về khi kết thúc hợp đồng, tiền dịch vụ trả cho doanh nghiệp Việt Nam).

Trước khi đi làm việc tại Saudi Arabia, người lao động và doanh nghiệp phải ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng này phải được đóng dấu của doanh nghiệp và có chữ ký, họ tên của người đại diện của doanh nghiệp.

Ít nhất 5 ngày trước khi xuất cảnh, doanh nghiệp và người lao động phải ký kết hợp đồng dịch vụ đưa đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng này phải có chữ ký của người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và được đóng dấu của doanh nghiệp đó.

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nếu người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng Saudi Arabia và người lao động trước thời hạn hợp đồng thì người lao động phải bồi thường các khoản chi phí sau:

- Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn mà lý do không phải từ phía người lao động, thì người sử dụng lao động sẽ chịu chi phí đưa người lao động về Việt Nam.

- Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn mà lý do từ phía người lao động thì người lao động phải trả cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương đương với 2 tháng lương cơ bản trước khi về nước, trừ khi người lao động có lý do chính đáng (bị tai nạn, bệnh tật có bệnh án...) và chịu chi phí vé máy bay về nước.

Khi có vấn đề phát sinh trong thời gian làm việc tại Saudi Arabia như: chủ sử dụng chậm hoặc nợ lương, điều kiện làm việc không đúng hợp đồng… người lao động cần phản ánh sự việc (gọi điện, nhắn tin, gửi email hoặc gửi đơn…) đến cán bộ quản lý lao động của doanh nghiệp thường trú tại Saudi Arabia, hoặc phản ánh về doanh nghiệp để được hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết.

Trường hợp sự việc không được giải quyết, hoặc giải quyết không thỏa đáng, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, người lao động hoặc người bảo lãnh của người lao động tại Việt Nam (vợ, chồng, con…) phản ánh với Ban Quản lý lao động Việt Nam thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia, hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên