03/12/2016 08:30 GMT+7

​Số liệu bất ngờ về thanh niên 'kangaroo' ở châu Á

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ở một số quốc gia châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, tồn tại một bộ phận không nhỏ những người trưởng thành từ 35 đến 40 tuổi vẫn còn sống với bố mẹ do không thể tự mình trang trải cuộc sống.

Tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần là những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng đột biến tình trạng thanh niên không thể tự chu cấp cho bản thân và phải sống dựa vào sự hỗ trợ từ bố mẹ.

Tỷ lệ giới trẻ Hàn Quốc thất nghiệp ngày một gia tăng đã và đang trở thành vấn đề lớn và tồn tại dai dẳng ở quốc gia này. Tương tự đối với Nhật Bản, quốc gia với tỷ lệ lao động trong các công việc bán thời gian và công việc thời vụ đang có xu hướng tăng chóng mặt. Những công việc này thường được trả mức lương rất thấp và ít được bảo đảm về an toàn lao động.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Chính phủ Nhật Bản cho thấy có tới 3 triệu người độc thân trong độ tuổi 35 đến 40 vẫn còn sống chung với bố mẹ, trong đó 620.000 người không có việc làm hoặc làm những công việc không ổn định. Ông Fumihiko Nishi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Thống kê cho biết: "Hầu hết những người này không có thu nhập". Ông còn nói thêm, ở độ tuổi này, việc bắt đầu thay đổi một cuộc sống mới là vô cùng khó khăn, cuối cùng họ vẫn phải chọn cách "ăn bám" đồng lương ít ỏi của bố mẹ.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ các hộ gia đình có thanh niên trên 26 tuổi độc thân sống cùng bố mẹ đã gia tăng đáng kể từ 9% năm 1985 lên 26% năm 2010, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc.

Báo cáo này gọi nhóm các cá nhân trên là “bộ tộc kangaroo”, những người sống phụ thuộc vào bố mẹ, mặc dù đã tốt nghiệp đại học, việc tìm việc và kết hôn đều bị trì hoãn.

Hiện tại vẫn chưa có nguồn thống kê chính thức tình trạng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Philippines hay Malaysia; chưa tính đến yếu tố tại một số nước như Trung Quốc, việc nhiều thế hệ cùng sống chung trong một đại gia đình là truyền thống lâu đời. 

Tại Hồng Kông, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới, theo số liệu thống kê năm 2015, có khoảng 53% nam giới và gần 47% nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 34 sống chung với bố mẹ.

Còn tại Indonesia, quốc gia với đa số người dân theo đạo Hồi, đa phần những người trưởng thành sống với gia đình cho đến khi họ kết hôn. Theo số liệu thống kê chính thức năm 2015, 67% thanh niên độ tuổi từ 16 đến 30 sống trong gia đình nhiều thế hệ, trong khi chỉ có 1,5% dân số Indonesia ở độ tuổi này sống tự lập một mình.

Khảo sát của tổ chức CBRE cho thấy sự thật đáng buồn là có tới 2/3 thanh niên ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong độ tuổi từ 22 đến 29 vẫn đang sống cùng với gia đình, 18% trong số họ chưa có ý định dọn ra ngoài ở riêng do chưa có đủ điều kiện về tài chính. Không phải những người này không muốn có nhà riêng mà vì họ không có đủ tiền để mua nhà trong bối cảnh giá cả bất động sản ngày càng đắt đỏ; 65% những người được hỏi đều bày tỏ họ muốn có nhà riêng.

Mặc dù châu Á được đánh giá là khu vực kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng dường như nhiều người trẻ vẫn chưa sẵn sàng để rời "tổ ấm" của mình.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên