16/10/2016 08:00 GMT+7

​Phát triển bền vững khu vực, duy trì chất lượng sống của người dân

PHAN NGỌC
PHAN NGỌC

Mục tiêu trên được đặt ra tại hội thảo "Công nghệ xã hội với con người và cuộc sống" do Công ty Bán lẻ Aeon phối hợp với trường Đại học Quốc gia Việt Nam và Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức trong hai ngày 6 & 7-10 tại trường Đại học Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

Chú thích ảnh: Trang trại Gia đình Bio, Lương Sơn - Hòa Bình, khu nông nghiệp sinh thái đã phục hồi sự kết nối giữa đất đai và sông ngòi được đề cập đến trong hội thảo - Ảnh: giadinhbio.com

Hội thảo đã thu hút các giáo sư, tiến sĩ, sinh viên và đông đảo người tham dự đến từ các nước châu Á. Nhiều trường đại học của Việt Nam, Nhật Bản cũng như các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã tham gia hội thảo: Viện Môi trường Waseda - Đại học Waseda, Đại học Chuo, Đại học Hiroshima, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Công ty Bán lẻ Aeon, Công ty Fujitsu, Công ty Nippon.

Dựa trên những thất bại và bài học rút ra từ các vấn đề môi trường và cư dân ở Nhật Bản, các diễn giả đã bàn về công nghệ xã hội gắn kết với con người và cuộc sống như thế nào.

Các giáo sư, tiến sĩ đã bàn luận về các chủ đề: "Mục tiêu của đa dạng sinh học là gì?", "Công nghệ xã hội và làm thế nào người dân sống cuộc đời của họ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai", "Hợp tác Việt-Nhật trong Công nghệ xã hội: Hướng tới một công nghệ gắn kết các giá trị", "Phát triển đa dạng sinh học và kinh tế xã hội ở Việt Nam", "Những công nghệ nào đang thật cần thiết, xem xét cuộc sống người dân ở Việt Nam?", "Đa dạng sinh học mang đến cho người dân lối sống phong phú"…

Cũng trong hội thảo này, các đại biểu cũng nghiên cứu các nguyên tắc và thông lệ của hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững và tự túc thông qua các hoạt động tiến hành trong một khu nông nghiệp sinh thái đã phục hồi sự kết nối giữa đất đai và sông ngòi tại Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Những hoạt động này bao gồm bảo tồn những giếng nước truyền thống và làm sạch các nguồn nước.  

Phát biểu tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, ngay bây giờ chúng ta phải lập kế hoạch, thực hiện và hành động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững bao gồm việc tạo ra các giá trị trong mục tiêu toàn cầu, mà nền tảng được đặt ra với chương trình phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Mục tiêu của chương trình này là để xem xét lại giá trị của đa dạng sinh học bằng nền tảng giáo dục.

Do đó, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, cộng đồng dân cư địa phương, các công ty và các tổ chức phi lợi nhuận. Thành phần đầu tiên của các bên liên quan là Đại học Quốc gia Việt Nam, trong bối cảnh phát triển kinh tế trong nước, đã tạo ra những mối quan hệ khắng khít với Nhật Bản và những mối quan hệ hợp tác quốc tế ở mức độ sâu sắc hơn.

Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ một vấn đề cần giải quyết: cần đạt được sự phát triển bền vững trong khu vực trong khi duy trì chất lượng cuộc sống của người dân; tạo ra ở giai đoạn đầu sự hiểu biết chung về việc bảo vệ, quản lý, khai thác và đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; và tạo ra xã hội mạnh mẽ linh hoạt hơn khi đối mặt với khủng hoảng môi trường (rủi ro), chẳng hạn như các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn và tai nạn.

Công nghệ xã hội là nhằm giúp chúng ta xem xét lại giá trị của đa dạng sinh học, không nhất thiết phải tham khảo các công nghệ tiên tiến nhất. Thay vào đó, công nghệ được thiết kế để thích ứng với sự tương tác giữa các hệ sinh thái tự nhiên và con người.

PHAN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên