27/05/2016 17:20 GMT+7

​Vải thiều Bắc Giang sẵn sàng chờ xuất khẩu

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Nhiều doanh nghiệp đã đến tận các vùng trồng vải được cấp mã số ở Bắc Giang để chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia...

Năm nay, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 ha, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2015.

Trong đó vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn (17,7%), vải chính vụ là 107.000 tấn (82,3%), tập trung ở các huyện Lục Ngạn (70.000 tấn), Lục Nam (28.000 tấn), Tân Yên (8.000 tấn), Lạng Giang (6.500 tấn), Yên Thế (12.000 tấn), Sơn Động (5.700 tấn).

Tuy diện tích và sản lượng vải thiều giảm nhưng chất lượng và sản lượng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap tăng 97,66 ha so với năm 2015; tập trung ở hai xã Hồng Giang và Giáp Sơn (Lục Ngạn). Dự kiến sản lượng vải thiều theo chuẩn VietGap, GlobalGap khoảng 1.000 tấn, được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU…

Ngoài ra, hơn 12.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản lượng khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết cục đã cấp được 29 mã số với khoảng 300 ha vải, phần lớn ở Bắc Giang để phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng với gần 3.000 điểm thu mua, hơn 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua tiêu thụ vải.

Năm 2015 là năm đánh dấu hiệu quả trong hoạt động mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm trái cây sang các thị trường khó tính. Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, 30 tấn đã được đưa sang thị trường Australia.

Năm nay nhiều doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, đồng thời thăm dò khả năng mở rộng sang các nước Trung Đông và cả Đông Nam Á.

Cùng với đó, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu vải giảm rất nhiều chi phí. Chẳng hạn để xuất khẩu sang Australia, nếu chiếu xạ ở miền Bắc và xuất đi, riêng chi phí đã giảm được 16 triệu đồng/tấn. Cục Bảo vệ thực vật đang thúc đẩy các thủ tục để phía Australia công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội có thể xử lý quả tươi xuất khẩu tại phía Bắc.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên