14/12/2015 14:02 GMT+7

​Học tập hỗn hợp: phá vỡ không gian lớp học sử dụng nền tảng CNTT

TDV
TDV

Ngày 05 đến 07-12-2015, chuỗi hội thảo và tập huấn: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hỗn hợp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tài trợ của Quỹ UNICEF đã diễn ra tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của Phó vụ trưởng vụ Trung học Nguyễn Xuân Thành & Đoàn Văn Ninh, ThS. Michael Horn – GĐ Học viện giáo dục Christensen (Hoa Kỳ), TS. Lê Kim Long - Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐHQG HN, ThS. Chris McDonald - Tổng Hiệu trưởng trường PTLC Olympia, cùng nhiều cán bộ giáo dục và giáo viên từ trong nước và quốc tế khác.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả quốc tế đã dành tương đối thời gian để làm rõ khái niệm “học tập hỗn hợp”, nhấn mạnh vào cách thức “phá vỡ không gian lớp học truyền thống” để mở rộng lớp học hoặc cá nhân hoá việc học của từng học sinh. Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ thông tin là một công cụ hữu hiệu để thực hiện được tối ưu phương pháp này.

1. Mở rộng lớp học với yếu tố trực tuyến

Nếu như thông thường, lớp học được tổ chức trong một không gian đóng kín với giáo viên, học sinh và bảng, phấn,… thì internet và các không gian học tập online đã mở ra cả một không gian mới. Ví dụ, sử dụng trang lớp học điện tử miễn phí Edmodo, học sinh Olympia (Hà Nội) đã làm việc cùng học sinh trường Stanstead (Canada) để phát triển dự án học tập vì cộng đồng, nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra giải pháp giúp khắc phục khó khăn còn tồn tại ở điểm trường Nậm Sỏm (Bắc Hà, Lào Cai) một cách bền vững.

Học sinh khối 9, trường PTLC Olympia đang sử dụng Google Classroom trong giờ tiếng Anh để làm việc trực tiếp cá nhân với giáo viên.

Th.S Jessica Cleland, điều phối viên chương trình Văn hóa và tư duy tại trường Clarkston cho biết, việc ứng dụng dạy học hỗn hợp bắt nguồn từ mong muốn tìm kiếm cơ hội cho học sinh của mình kết nối với thế giới. Bằng việc sử dụng Blogger App, Google Classroom, Google Doc, học sinh trường Clarkston (Hoa Kỳ) đã kết bạn, chia sẻ văn hóa và tìm hiểu về cuộc sống của các bạn học sinh cùng trang lứa cách xa hàng ngàn dặm ở Olympia (Việt Nam).

2. Cá nhân hoá việc học: Học sinh là trung tâm

Không chỉ tập trung vào từng người học, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập hỗn hợp sẽ tạo điều kiện học tập cho nhiều đối tượng học sinh. Với các lớp học online, các em được học tập theo tốc độ phù hợp với trình độ cá nhân, chủ động lựa chọn thời gian, không gian và môi trường học tập mà không cần lo lắng về khoảng cách địa lý.

ThS. Michael Horn, GĐ Viện Christensen Clayton (Hoa Kỳ), tác giả cuốn sách Blended Learning

ThS. Michael Horn, GĐ Viện Clayton Christensen khẳng định: "Phương pháp học tập hỗn hợp đang được các nhà giáo dục áp dụng tại các trường học trên thế giới nhằm tăng cơ hội cho học sinh tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng, bất kể học sinh đó đến từ đâu. Mặc dù phương pháp này không đảm bảo 100% thành công nhưng ngay lúc này, nó là chiến lược duy nhất để chuyển từ trường học xây dựng theo mô hình kiểu nhà máy sang trường học lấy học sinh làm trung tâm". Đồng thời, ông cũng đưa ra những chỉ dẫn về việc thiết kế một chương trình học phù hợp với điều kiện của từng môi trường giáo dục.

3. Triển khai tại Việt Nam như thế nào?

Trong buổi hội thảo, cán bộ giáo dục và giáo viên tại các tỉnh thành đã đưa ra nhiều câu hỏi, băn khoăn: Làm sao để giáo viên nhận được những phản hồi cá nhân hóa, dạy học hỗn hợp có yêu cầu cả giáo viên và học sinh sử dụng thành thạo máy tính không? Trả lời cho thắc mắc này, Th.S Chris McDonald, Tổng Hiệu trưởng trường PTLC Olympia chia sẻ: "Với quy mô lớp lớn, giáo viên nên chia học sinh thành các nhóm nhỏ gồm học sinh giỏi và học sinh có khả năng học yếu hơn, nhờ đó, học sinh có cơ hội tương tác, truyền đạt kiến thức cho nhau mà giáo viên dễ dàng quản lý và thu thập phản hồi". Về vấn đề công nghệ, thầy chia sẻ thêm, tại Việt Nam, điều khó khăn không phải là sử dụng như thế nào mà là chúng ta sử dụng sản phẩm hay công cụ nào cho giảng dạy. Trẻ em là những đứa trẻ thông minh và nhanh nhạy với công nghệ thông tin, vì thế, đây chính là điều thuận lợi cho giáo dục.

ThS. Chris McDonald, Tổng Hiệu trưởng trường PTLC Olympia chia sẻ về thực tế áp dụng học tập hỗn hợp tại Việt Nam.

PGS. TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: "Quan trọng nhất là người giáo viên sẵn sàng thay đổi tư duy để đổi mới". Các trường Đại học cần ứng dụng công nghệ và học tập hỗn hợp ngay trong chương trình đào tạo giáo viên: chính quy, cao học, ngắn hạn hay nghiệp vụ. Ông Đoàn Văn Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, cần tập huấn, đào tạo giáo viên để giáo viên dễ dàng ứng dụng, phát huy hiệu quả các phương tiện công nghệ, kỹ thuật vào việc thiết kế chương trình giảng dạy.

Ứng dụng CNTT trong học tập hỗn hợp là quá trình đòi hỏi nhiều công sức của các nhà giáo dục, tuy nhiên, nếu triển khai dần dần từng bước, liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới thì nhất định sẽ đạt được hiệu quả, mục tiêu giáo dục đề ra.

TDV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên