30/07/2015 00:10 GMT+7

​Kinh nghiệm khai thác nguồn nước chống hạn ở Ninh Thuận

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cơn đại hạn khốc liệt kéo dài nhiều tháng nay tại Ninh Thuận làm cho gần 44.000 người thiếu nước sinh hoạt; hầu hết hồ trữ nước trên địa bàn vẫn ở dưới mức “chết”, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự báo, hạn sẽ còn tiếp diễn đến tháng 9. Để giúp người dân chống chọi với hạn, nhiều cách làm hữu ích đã được các địa phương của tỉnh Ninh Thuận triển khai…

Cấp nước từ xe lọc nước lưu động

Mô hình cấp nước từ xe lọc nước lưu động được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Cục hậu cần, Quân khu 5 triển khai, nhằm sử dụng nguồn nước bẩn cấp lọc thành nước sạch sinh hoạt cấp cho người dân.

Ưu điểm nổi bật của mô hình này là thiết bị lọc nước được mang đến bất cứ nơi nào có nguồn nước và xử lý tại chỗ thành nước tinh khiết để cấp cho người dân cho nên không tốn chi phí vận chuyển và không bị thất thoát nguồn nước.

Từ cuối tháng 4 đến nay, lực lượng quân đội địa phương đã triển khai cấp nước 3 đợt liên tục cho những vùng khát nặng nề của tỉnh Ninh Thuận. Trong đó ưu tiên nhất là khu vực xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán.

Tận dụng nguồn nước có sẵn

Để tận dụng nguồn nước sẵn có tại chỗ, tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước xã Phước Trung, huyện Bác Ái thành Nhà máy nước Phước Trung, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 542 hộ dân toàn xã.

Công trình không cần đến hệ thống bơm mà lợi dụng nguồn nước từ trên cao tự chảy xuống. Nguồn nước lấy từ đập Cây Sung 1 và đập Ô Căm thuộc lưu vực Suối Ngang. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7, kịp thời đáp ứng nhu cầu của hơn 3.400 người dân trong vùng giữa thời điểm hạn hán khốc liệt.

Xã Bắc Sơn, thuộc huyện Thuận Bắc cũng là một trong những trọng điểm về hạn và thiếu nước của tỉnh Ninh Thuận nhưng khác với xã Phước Trung, Bắc Sơn không có lợi thế về nguồn nước tại chỗ. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo địa phương tập trung nạo vét, đấu nối đường ống cấp nước cho dân là giải pháp tối ưu.

Trên cơ sở có sẵn hệ thống cấp nước Phương Cựu lấy nước thô từ đập Nha Trinh và đập dâng trên suối Kiền Kiền chất lượng rất tốt, lưu lượng dồi dào, tỉnh đầu tư cho đấu nối hệ thống đường ống dài gần 5 km cùng tuyến đường ống nhánh trong thôn hơn 700 m, qua đó đã giải quyết bài toán về nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn.

hinh-6-1438225056.jpg

Khai thác nguồn nước ngầm

Người dân tại những vùng hạn nặng của tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đào được trên 100 ao, giếng để tìm nguồn nước ngầm. Cùng với đó, người dân còn xây các giếng trên cạn để trữ nước, trong đó có những giếng khoan sâu tới 40 mét để tìm mạch nước ngầm, tuy nhiên số lượng ao, giếng tìm được nguồn nước không nhiều.

Bởi vậy, chính quyền nhiều địa phương mong muốn các ngành chức năng vào cuộc giúp dân, thăm dò địa chất để xác định những vị trí có thể khai thác nguồn nước ngầm. Đồng thời sớm triển khai xây dựng hồ tích nước Sông Than theo quy hoạch.

Kinh nghiệm của người dân địa phương cho thấy, cứ 10 năm thì đại hạn lại lặp lại 1 lần, nên nhà nước và người dân cần có sự chuẩn bị ứng phó một cách tích cực hơn. Đặc biệt là cần tính đến phương án liên thông các hồ chứa trong những vùng, địa bàn, khu vực.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên