28/07/2015 00:10 GMT+7

​Tình hình nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ giai đoạn 2010-2014

Nguồn: Bộ Công Thương
Nguồn: Bộ Công Thương

Trong những năm gần đây, Ấn Độ luôn là 1 trong 10 quốc gia có tổng kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trị giá hàng nhập khẩu từ nước này thường chiếm khoảng 2% tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chỉ đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD thì đến năm 2014, kim ngạch nhập khẩu đã đạt 3,09 tỷ USD. Trong 5 năm qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ tăng trưởng trung bình 16%/năm. Đây là một dấu hiệu khả quan đối với Việt Nam trong vấn đề thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại với Ấn Độ.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ giai đoạn từ 2010-2014

untitled-1-1438067949.jpg

Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ có thể được chia thành 02 nhóm chính, bao gồm nhóm hàng công nghiệp và nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Trong 5 năm trở lại đây, từ 2010 – 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có xu hướng lớn hơn so với kim ngạch của nhóm hàng công nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu có giá trị lớn nhất kể từ năm 2005 đến nay. Riêng năm 2011, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã đạt mức cao nhất là 529 triệu USD, chiếm hơn 22,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này.

Trong các năm tiếp theo 2012, 2013 và 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tuy có giảm sút nhưng vẫn có giá trị lớn nhất và chiếm tỷ trọng cao so với các mặt hàng khác.

Ngoài ra, trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, ngô là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất. Sau 5 năm, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt xấp xỉ 1,07 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các mặt hàng nhập khẩu. Riêng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ngô giảm 29,8%.

Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm trị giá nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc, nguyên liệu và ngô từ thị trường Ấn Độ là do bị hạn chế bởi quy định kiểm dịch động vật của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đã chuyển sang nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều hơn từ các thị trường khác như Achentina, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Italia… và nhập khẩu ngô từ Brazil, Thái Lan, Achentina, Campchia và Lào.

Nhóm hàng công nghiệp bao gồm những mặt hàng có kim ngạch cũng như tốc độ tăng trưởng khá đồng đều.

hinh-8-1438067993.jpg

Dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm là một trong những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm vào Việt Nam.

Tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 5 năm qua đạt xấp xỉ 1,07 tỷ USD, thường đứng thứ 2 trong danh mục các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ. Nguyên nhân là do dược phẩm của Ấn Độ có chất lượng tương đối tốt nhưng giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ với mục tiêu đề ra đạt kim ngạch 25 tỷ USD vào cuối năm 2016.

Trong nhóm hàng này, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng và kim ngạch cao. Tổng kim ngạch kể từ năm 2010 – 2014 đạt trên 865 triệu USD, đứng thứ 4 trong số các mặt hàng nhập khẩu.

Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là các mặt hàng dùng làm nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh, không có mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cao cấp.

Giá cả và chủng loại hàng hóa từ thị trường Ấn Độ đối với một số mặt hàng như: khô đậu tương, ngô hạt, bông các loại, hóa chất, dược phẩm, chất dẻo… có sức cạnh tranh hơn so với nhập khẩu từ các thị trường khác như châu Mỹ và châu Âu do quãng đường vận tải ngắn hơn nên tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển.

Nguồn: Bộ Công Thương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên