10/06/2015 12:00 GMT+7

​Ngăn ngừa tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày càng phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long. Thách thức này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, đòi hỏi các cấp, ngành tìm giải pháp lâu dài, bền vững.

Sạt lở gia tăng

Theo Cục Phòng chống Thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có trên 737 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.257 km; trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 265 điểm với chiều dài trên 450 km, đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa phương.

Một số địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đó là: Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… Theo thống kê của xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, 2 năm gần đây khu vực bờ sông Tiền đã xảy ra 7 vụ sạt lở, gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Còn tại Cần Thơ, chỉ chưa đầy 2 tháng đã liên tiếp xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực này liên tiếp xảy ra 17 điểm sạt lở lớn nhỏ làm trôi sông hơn 300m đê kè và 1.440 m2 đất, trong đó có các công trình kiến trúc, hoa màu và lộ giao thông nông thôn với tổng thiệt hại gần 350 triệu đồng. 

hinh-2-1433991532.jpg

Giải pháp đồng bộ

Tình trạng sạt lở đang diễn biến với xu thế ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm mất đất đai và tiêu hao nguồn lực quốc gia. Sạt lở có 3 nguyên nhân: do xây dựng các công trình thượng nguồn sông Mê Kông; biến đổi khí hậu; sử dụng đất đai ven biển, nuôi trồng thủy sản, khai thác cát chưa hợp lý…

Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị có liên quan đề xuất các giải pháp phòng chống như: phục hồi các vùng bị sạt lở thông qua việc phát triển rừng ngập mặn; rà soát lại quy hoạch đê biển, phát triển vùng biển; đẩy mạnh công tác truyền thông và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc phòng chống sạt lở… 

Một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần phòng ngừa, hạn chế tình trạng sạt lở được các nhà khoa học khẳng định là trồng, phát triển rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc cân bằng bùn cát, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường ven biển, tuy nhiên hiện nay rừng ngập mặn ven biển nước ta đã và đang tiếp tục bị suy thoái nghiêm trọng. Vì thế bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn là nhiệm vụ bức thiết.

Đối với khu vực đã và đang bồi tụ cần tranh thủ trồng cây ngập mặn ngay bằng kỹ thuật lâm sinh truyền thống; ưu tiên ứng dụng công nghệ tường mềm giảm sóng, gây bồi để kịp thời khôi phục rừng ngập mặn ở các khu vực xói lở; các địa phương cần có chính sách quản lý, bảo vệ đai rừng ngập mặn sau khi trồng phục hồi. 

Bên cạnh việc phát huy nội lực, việc tìm kiếm các nguồn đầu tư quốc tế phục vụ công tác phòng, chống, hạn chế hậu quả do sạt lở gây ra đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây nhất, ông Christian Henckes, Giám đốc GIZ (Chương trình quản lý tổng hợp ven biển) nhấn mạnh: "Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với sạt lở nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung như: xây dựng hàng rào chắn sóng, phục vụ bãi bồi, rừng ngập mặn, tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế…”.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên