26/05/2015 00:10 GMT+7

​Đừng chủ quan với bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Tại các tỉnh/thành phía nam ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng phổ biến khi mùa mưa đến.

Những dấu hiệu gợi ý trẻ bị bệnh sốt xuất huyết

- Trẻ em thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 – 7 ngày, kèm những biểu hiện như đỏ bừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với nhiễm các loại vi rút khác.

- Tiếp sau đó, trẻ có thể biểu hiện dấu hiệu xuất huyết như: chấm xuất huyết, còn gọi là petechiae (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đi cầu ra máu.

Xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng sốt xuất huyết Dengue.

- Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trẻ giảm sốt hoặc hết sốt hẳn với những biểu hiện hồi phục dần dần như trẻ tỉnh táo, ăn uống ngon miệng, tiểu nhiều… Tuy nhiên, phụ huynh cần hết sức lưu ý, có một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu trở nặng, những trường hợp này cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị tích cực hơn.

hinh-7-1432626328.jpg

Chăm sóc và theo dõi trẻ bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Hầu hết những trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue (sốt xuất huyết độ nhẹ và trung bình) đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tại nhà theo những nguyên tắc quan trọng sau đây:

1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ: - Khi trẻ sốt từ 38,5 – 39 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần. - Cha mẹ cũng có thể lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ, nhất là trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật trước đây.

2. Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm: - Cho trẻ uống nhiều nước: bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước lọc, nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo… và nên cho trẻ uống dung dịch Oresol là cách bù nước hiệu quả trong bệnh sốt xuất huyết. - Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh. - Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ: bệnh sốt xuất huyết được bác sĩ hẹn tái khám mỗi ngày.

3. Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời: - Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

4. Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây: - Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. - Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. - Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống được trẻ.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ cần phải được nhập viện

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 - 38 độ C hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau đây: - Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng. - Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi. - Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

Nếu phát hiện trẻ có một trong những dấu hiệu trên thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên