21/05/2015 00:10 GMT+7

​Cần đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch cúm gia cầm

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Trong thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đe dọa đến sức khoẻ cộng đồng.

Nguyên nhân chính do không bảo đảm vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm; việc sử dụng nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh; các hoạt động vận chuyển, giết mổ, chế biến và sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, gia cầm chưa kiểm soát được triệt để. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 đang có biểu hiện tái xuất hiện.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè, phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bữa ăn đông người và phối hợp phòng chống có hiệu quả nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác có thể lây lan sang người, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, các Sở, ban ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung sau:

1. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm.

vJHyDSJX.jpg

Lồng ghép nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống có hiệu quả đối với cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác cho cộng đồng. Đặc biệt chú ý các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm như:

- Tuyệt đối không giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm bệnh, gia cầm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; không ăn tiết canh, thức ăn còn sống, tái được chế biến từ gia súc, gia cầm.

- Rửa tay bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt không tiếp xúc với gia cầm và người nhiễm bệnh khi không có nhiệm vụ, không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi ở khu vực chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm.

- Thực hiện, duy trì tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn thả gia súc, gia cầm; sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y an toàn theo quy định.

- Bảo đảm vệ sinh trước, trong và sau khi giết mổ; sử dụng thớt riêng để sơ chế, chế biến thịt sống và thịt chín; đeo khẩu trang, găng tay khi phải tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ bị bệnh; rửa tay bằng xà phòng và thay sử dụng trang phục bảo hộ lao động sau khi tiếp xúc với gia cầm.

2. Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

3. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, tại các bếp ăn tập trung, cơ sở chế biến suất ăn sẵn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, trường mẫu giáo, trường mầm non.

Phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai các hành vi, các cơ sở và sản phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

4. Tăng cường công tác giám sát, thông tin về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh trên gia cầm tại cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lư­ợng thường trực, phương tiện, hóa chất, vật tư để phối hợp tham gia phòng chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh cúm gia cầm khi xảy ra.

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên