27/02/2015 00:10 GMT+7

​Dựa vào cộng đồng để bảo tồn đa dạng sinh học

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh vật và là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn gien đặc hữu.

Thế nhưng, sự đa dạng này đang bị đe dọa nghiêm trọng vì nạn khai thác bừa bãi và sức ép từ gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa…

Năm 2007, Việt Nam có 880 loài động, thực vật được ghi vào Sách đỏ nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ “nguy cấp”. Đến nay, đã có 10 loài động vật bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Tê giác Java Việt Nam là 1 trong 2 quần thể tê giác còn sót lại trên trái đất bị xác nhận là tuyệt chủng vào năm 2010.

Điều này làm cho không chỉ Việt Nam mà cả thế giới tiếc nuối và lo lắng. Các loài động vật nguy cấp, quý hiếm vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng báo động tuyệt chủng cao do nạn săn bắt trộm và mất môi trường sống.

Không chỉ các loài động vật quý hiếm mà những loài được xem là phổ biến cũng đang bị ảnh hưởng nguồn gien di truyền do sự khai thác quá mức. Số lượng thủy sinh vật, nhất là các loài tôm cá có giá trị kinh tế cao, cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

Hệ sinh thái dưới nước cũng không tránh khỏi bị tận diệt do con người. Rạn san hô ở Cô Tô, Quảng Ninh vốn được đánh giá phát triển tốt, độ phủ đạt 80%-100% nhưng từ năm 2007 đến nay, chết rất nhiều, có nơi tỉ lệ chết đến 90%.

Diện tích san hô toàn quốc đã giảm đến 10%, hiện còn 14.000 ha, trong đó chỉ 3% phát triển.

Chính quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng đã làm phá vỡ các sinh cảnh tự nhiên, mất các hệ sinh thái dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.

HbYdPh1g.jpg

Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, đã có trên 100.000 ha đất rừng khộp – một hệ sinh thái đặc thù của thế giới – tại Tây Nguyên bị chuyển đổi sang trồng cao su.

Tương tự, diện tích rừng ngập mặn từ 400.000 ha năm 1943, đến nay chỉ còn 130.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu là chuyển đổi mục đích để nuôi tôm và một số loài thủy sản khác.

Tỉ lệ che phủ rừng và diện tích rừng cả nước có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng mới, đa dạng sinh học thấp trong khi diện tích rừng giàu đa dạng sinh học đang suy giảm nhanh chóng, diện tích rừng nguyên sinh hầu như không còn.

Trước tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp với thời kỳ mới, đồng thời thực hiện cam kết đối với công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Trọng tâm của chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là thay đổi thái độ, hành vi ứng xử đối với đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; củng cố và thống nhất hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; đẩy mạnh bảo tồn các loài nguy cấp quý hiếm; bảo tồn và sử dụng bền vững và chưa sẻ công bằng lợi ích từ hệ sinh thái góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Và để có thể đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chính phủ, cần phải có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng. Xã hội hóa trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những vấn đề cần ưu tiên thực hiện.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên