25/10/2014 00:10 GMT+7

​Kinh doanh nhà hàng khi mở cửa hoàn toàn năm 2015?

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Chỉ chưa đầy 3 năm sau thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.

Trong lĩnh vực bán lẻ được coi là thị trường tiềm năng, ngành kinh doanh thực phẩm chế biến ở Việt Nam đang trở thành ngành hút nhiều vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo cam kết gia nhập WTO, các nhà đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trên lĩnh vực phân phối phải tuân thủ lộ trình theo thời gian: từ 1-2007, bắt buộc liên doanh với đối tác Việt Nam với phần vốn nước ngoài không quá 49%. Từ 1-2008, được phép liên doanh và không bị hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh. Từ sau 1-2009, được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Và chỉ từ 1-2015, các nhà đầu tư FDI được mở nhà hàng ăn uống riêng không cần gắn với các dự án khách sạn.

Với dân số đông, tỉ lệ người trẻ cao và xu thế hội nhập, phát triển du lịch, giao thương; với mức thu nhập ngày một gia tăng, ngành kinh doanh thực phẩm nhà hàng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài dù vẫn còn những điều kiện hạn chế. Khoảng mười năm trở lại đây, các nhà hàng có yếu tố nước ngoài với phong cách ẩm thực đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới đã được mở ra ngày một nhiều, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

SsfKeOVB.jpg

Các chuỗi cửa hàng, thương hiệu ra đời bằng nhượng quyền kinh doanh hoặc hợp tác liên kết với các đối tác Việt Nam. Song cũng có những công ty, doanh nghiệp FDI tự mở chuỗi với nhiều cửa hàng tại các thành phố lớn mà không cần nhượng quyền thương mại cho các đối tác trong nước. Theo cơ quan quản lý đầu tư tại TP.HCM thì do các doanh nghiệp FDI này đầu tư vào thị trường trong nước từ rất sớm và phát triển kinh doanh khi Việt Nam chưa gia nhập WTO nên không bị những cam kết với WTO ràng buộc.

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, nếu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng được nới lỏng và minh bạch hơn thì khả năng đầu tư của các doanh nghiệp lớn sẽ gia tăng trong tương lai. Các nhà đầu tư cũng chia sẻ, trên lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp Nhật còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục xin cấp phép, xin đất, giá thuê đất ở Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực ASEAN, khi đầu tư sẽ phải mất khoản tiền lớn hơn để thuê đất. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cần được cải thiện mới đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là dân ngoại thành và nông thôn.

Việt Nam cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ Việt Nam cho các nhà cung cấp nước ngoài, chắc chắn sẽ có nhiều nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

Các vấn đề cần được xem xét kỹ là Việt Nam phải học gì từ các quốc gia trong tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ, ngành ăn uống? Những công cụ pháp lý được phép sẽ vận dụng thế nào để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của các kênh phân phối hàng Việt chất lượng, lợi ích của hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước? Vai trò và tương lai của các chợ truyền thống sẽ ra sao trong tiến trình hội nhập? Song, Chính phủ đã cam kết, để vượt lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam không còn con đường nào khác là tự hoàn thiện, tuân thủ luật pháp của cả trong và ngoài nước cũng như các quy định riêng của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên