22/08/2014 00:01 GMT+7

Cần chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đã và đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng giá trị cho ngành đang là bài toán cần lời giải...

Ngành chăn nuôi về cơ bản đã chuyển sang sản xuất phương thức trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Bất cập lớn

Tuy nhiên, một thách thức lớn mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt là thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là khô đậu tương, ngô, bột cá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu này ngày một tăng và dự kiến trong năm nay, sẽ phải nhập khẩu 4,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp (như ngô, đậu tương, thức ăn thô xanh). Bên cạnh đó, do trồng trọt chưa cơ giới hóa cao, chưa mở rộng việc áp dụng công nghệ sinh học để trồng loại cây biến đổi gene có năng suất cao nên giá thành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10 - 20%. Điều này cũng làm giảm giá trị chung.

Mặt khác, sản lượng và chất lượng của nguyên liệu trong nước không đồng đều, do giống, quy trình canh tác, chế biến bảo quản không đạt tiêu chuẩn. Với các nhà máy công suất lớn, vấn đề lưu trữ nguồn nguyên vật liệu trong thời gian dài là rất quan trọng. Tuy nhiên, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước lại có thời gian bảo quản ngắn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho những vùng nguyên liệu cũng như áp dụng công nghệ sinh học đối với các loại cây trồng cho thức ăn chăn nuôi chưa được chú trọng.

Việc thức ăn chăn nuôi nhập khẩu với tỷ lệ cao không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến tính chủ động của ngành. Việc bỏ trống nội dung sản xuất công nghiệp thức ăn chăn nuôi đang là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới giá trị sản xuất, kinh doanh của ngành này chưa cao và là bài toán cần lời giải.

DNA1tOTP.jpg

Đầu tư cây trồng biến đổi gene

Thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng từ 10 - 13%/năm đã đưa Việt Nam thành nước đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 12 thế giới về tiêu thụ thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài trong ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang có những chính sách khuyến khích nông dân, nông trại, doanh nghiệp và nhà đầu tư mở rộng diện tích trồng đậu tương, ngô.

Việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi là yếu tố then chốt để ngành chăn nuôi phát triển. Trong đó, giải pháp đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất và thương mại hóa là giải pháp hữu hiệu mà ngành nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư phát triển.

Các loại ngô biến đổi gene có năng suất cao hơn từ 20 - 25% so với ngô truyền thống, cùng với đó là hàm lượng chất dinh dưỡng tăng và giảm bài thải chất có hại từ động vật nuôi. Cụ thể, loại ngô nhiều dầu, giàu protein thì lượng dầu cao hơn ngô bình thường là 87%, protein cao hơn 3,3%, lysine cao hơn 80% và tryptophan cao hơn 15%. Với loại ngô này, gà nuôi sẽ tăng trưởng tốt và cho sản lượng trứng nhiều hơn từ 20 - 25%.

Bên cạnh đó, các loại đậu nành chuyển đổi gene cũng tăng nhiều chất dinh dưỡng như acid amin, lysine, acid stearic…, tăng sự ổn định ô xy hóa giúp vật nuôi tăng cân nhanh, chất lượng thịt đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã cho phép sử dụng 4 giống ngô biến đổi gene là Bt11, MIR 162, MON 89034 và NK 603 làm thức ăn chăn nuôi. Đây sẽ là bước đầu để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chất lượng cao ở trong nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên