28/07/2012 00:01 GMT+7

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Tin dịch vụ - Trước hết, phải bài xuất thức ăn ra ngoài càng sớm càng tốt như dùng ngón tay kích thích họng, uống nước muối… và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Khi ăn phải thực phẩm không an toàn, nhiễm bẩn, có chứa vi nấm, vi khuẩn, virus hay nhiễm chất hóa học thì nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao… Nếu không ứng cứu kịp thời có thể gây tử vong và nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân và biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Bác sĩ Lê Kim Huệ - Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: Người bị ngộ độc thực phẩm, sẽ có các biểu hiện như: Đau bụng, tiêu chảy trên 3 lần/ngày, buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, có thể sốt…; các dấu hiệu nguy hiểm hơn: mất nước, da khô, mắt trũng, tiểu ít, mắt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, có máu hoặc chất nhày trong phân… Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà biểu hiện trên có thể xảy ra sớm hay trễ, có thể xuất hiện 30 phút sau khi ăn hoặc trong một vài giờ, hoặc thậm chí vài ngày sau đó.

Ngộ độc thực phẩm có thể chia ra làm hai loại: Ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc do thức ăn nhiễm vi sinh vật hoặc hàm lượng thuốc trừ sâu, chất hóa học lượng lớn. Ngộ độc mãn tính là dạng ngộ độc không có dấu hiệu rõ ràng, không phát các biểu hiện sau khi ăn xong mà các chất độc tố sẽ tích lũy ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Đối với dạng ngộ độc này thường là do ăn phải thực phẩm chứa chất độc lâu ngày và chúng có thể gây ung thư.

Cách xử trí và phòng tránh

Cũng theo bác sĩ Kim Huệ, khi có các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, chúng ta không nên tự ý mua các loại thuốc cầm tiêu chảy hoặc cầm ói. Ngay lúc đó, bằng mọi cách phải bài xuất thức ăn ra ngoài càng sớm càng tốt (nếu nhà xa bệnh viện) như dùng ngón tay kích thích họng, uống nước muối… và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, nên thực hiện ăn chín uống sôi, chỉ dùng những thực phẩm có nguồn gốc an toàn, còn hạn sử dụng. Không dùng thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nấm mốc, thực phẩm có chứa phẩm màu độc… Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ như: rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch trước khi tiếp xúc với thực phẩm và trong quá trình chế biến thực phẩm; rửa và vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm; giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm, tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập; phải để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, đun nấu kỹ thức ăn trước khi sử dụng, giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.

Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên