04/05/2014 10:05 GMT+7

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - Hơn bốn năm làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến đào tạo, giáo dục và sách tại VN, tôi có cảm nhận văn hóa đọc nói chung và đọc sách của người VN chưa thật sự phát triển nhiều.

hPcSSqXm.jpgPhóng to
Ảnh: nhân vật cung cấp

Muốn có được văn hóa đọc sách phải bắt đầu việc đọc sách từ khi rất nhỏ và khuyến khích thói quen này phát triển một cách tự nhiên. Người Anh chúng tôi cũng thế thôi, để có thói quen đọc sách chúng tôi phải có thói quen này từ khi còn bé kéo dài đến hôm nay.

Tôi bắt đầu đọc sách từ khi còn rất nhỏ, khi đó bố mẹ tôi vẫn thường đọc sách cho tôi nghe, rồi các chương trình đọc sách trên truyền hình. Hồi đó, cứ 5-6 giờ chiều là tôi trông chờ để được xem các chương trình truyền hình dành cho trẻ em, trong đó có chương trình mà tôi luôn cảm thấy thích nhất: kể chuyện qua sách.

Chương trình khuyến khích tôi đến với các thư viện công cộng, miễn phí với đầy sách (rất phổ biến ở các nước phương Tây) xung quanh chỗ tôi sống để tìm đọc thêm sách mới. Tôi luôn bị kích thích, tò mò và tưởng tượng nhiều khi đọc sách, nghĩ đến đọc sách tôi cảm thấy mình tươi vui hẳn lên, bao nhiêu điều hay, tươi đẹp đã được sách mang đến cho tôi.

Để khuyến khích đọc sách, xung quanh chúng tôi luôn có những thông tin về sách, những cuốn sách hay luôn được các nhà bình luận, chia sẻ trên báo. Truyền hình cũng có những phần bình luận về sách vào các buổi sáng hoặc giờ nhiều người quan tâm.

Cha mẹ cũng nên chủ động chọn sách cho con trẻ, đọc cho chúng nghe, giải thích cho chúng và khuyến khích chúng đọc. Phải chọn đúng loại sách mà bọn trẻ thích để mang đến cho chúng niềm vui khi được đọc những quyển sách đó. Và bản thân cha mẹ cũng phải đọc sách để con cái bắt chước. Nuôi dưỡng thói quen đọc sách trong gia đình là điều quan trọng vì việc này sẽ hình thành một thói quen, hay còn gọi là văn hóa đọc đang được nhìn thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Sách cũng nên làm sao cho thật nhẹ nhàng, tiện lợi để người đọc có thể nhẹ nhàng tiếp cận (từ kích cỡ, độ mỏng của giấy đến cách trang trí, trình bày...). Đặc biệt với các độc giả nhỏ tuổi, hãy biến cuốn sách dành cho các em càng nhiều màu sắc (theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng) càng tốt. Điều này giúp những bạn đọc nhỏ tuổi có nhiều không gian, điều kiện để tưởng tượng về những câu chuyện mà cuốn sách đó kể, từ đó giúp bạn đọc trẻ thích thú việc đọc sách và thói quen này sẽ được nuôi dưỡng, kéo dài, phát triển.

DAVID KAYE (người Anh, giám đốc phát triển đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Tập đoàn giáo dục Pearson)

Kể chuyện sách trên lớp

Trong trường học cũng phải có hình thức khuyến khích trẻ em đọc sách và kể chuyện sách. Hồi tôi còn nhỏ và đến khi lên trung học, chúng tôi vẫn duy trì việc kể chuyện sách trên lớp. Các học sinh sẽ kể cho các bạn cùng lớp nghe tóm tắt về câu chuyện mình đã đọc, giải thích cho các bạn về những tình tiết hay, cùng nhau trao đổi, trả lời các câu hỏi... liên quan đến chuyện mình đọc như một cách giải trí, thưởng thức, chia sẻ thật sự chứ không phải là đối phó với thầy cô hay là một cách để kiếm điểm.

Nhiều năm sống làm việc ở Hong Kong, tôi nhận thấy các trẻ em VN và Hong Kong có điểm giống nhau là phải đối phó với quá nhiều môn học rồi các kỳ thi nên việc học của các em thật sự quá nhiều áp lực, có quá nhiều thứ để làm trong khi càng ngày càng ít đi những điều mang lại cảm giác vui vẻ mà việc học có thể mang lại.

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên