22/02/2017 20:51 GMT+7

​Công chức làm việc ở nhà, được không?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Đề xuất cho công chức làm việc ở nhà để góp phần giảm kẹt xe trong thành phố nhận được không ít ý kiến trái chiều. Có nhiều tranh luận của các chuyên gia...

Một cảnh kẹt xe trong thành phố - ảnh Tự Trung
Một cảnh kẹt xe trong thành phố - ảnh Tự Trung

Những lợi ích của việc để công chức làm việc ở nhà được nêu ra là hạn chế lượng người đổ ra đường vào giờ cao điểm, cán bộ thoải mái đầu óc sẽ dễ tập trung hơn, tiết kiệm chi phí điện, nước cho công sở và góp phần phòng ngừa trộm cắp, tệ nạn xã hội xâm nhập…

Các chuyên gia cho rằng trong nỗ lực chung giải quyết vấn đề kẹt xe của thành phố thì đề xuất nào cũng đáng được xem xét, tuy nhiên, cần phải đánh giá thật kỹ tính khả thi, hiệu quả của đề xuất này.

Công chức có phải lực lượng chính gây kẹt xe?

Theo Thạc sĩ (ThS) xã hội học Lê Minh Tiến, có nhiều nguyên nhân gây kẹt xe tại TP.HCM và cần tìm ra gốc rễ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

ThS Lê Minh Tiến nhận định đề xuất này chỉ phù hợp với một số ít công việc bình thường, đơn giản của một bộ phận công chức.

Với những vị trí đòi hỏi phải làm việc với phần mềm chuyên biệt về mặt tài chính, kế hoạch, đầu tư… chỉ cho phép truy cập khi ở công sở thì làm việc ở nhà là điều không khả thi. Đó là chưa kể đến chuyện nếu nảy sinh vấn đề tiêu cực giữa cán bộ và công dân thì làm sao phát hiện, giải quyết - ThS Lê Minh Tiến đặt vấn đề.

Có cùng suy nghĩ này, một cán bộ công chức làm việc tại quận 1 (TP.HCM) cho biết tính chất công việc của anh đòi hỏi phải giữ bí mật tuyệt đối, cá nhân không được mang tài liệu về nhà và lưu trữ ở bất kỳ thiết bị nào ngoài cơ quan, vì thế, làm việc ở nhà thông qua mạng internet là chuyện không thể thực hiện.  

Một cán bộ khác làm việc tại quận 3, TP.HCM bày tỏ quan điểm thích làm việc mặt đối mặt và trao đổi trực tiếp vấn đề hơn là thông qua công cụ.

“Ở công sở có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công việc và nếu có vướng mắc, đồng nghiệp, cấp trên cũng sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Không chỉ về mặt kỹ năng nghề nghiệp, tập trung cùng một chỗ còn giúp khả năng giao tiếp, kết nối tinh thần giữa các thành viên công sở tốt hơn”, ông này nói.

PGS.TS, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thụ đánh giá giải pháp này chưa khả thi với điều kiện thực tế của quản lý hành chính Việt Nam nói chung.

“Chẳng hạn một ông giám đốc bến xe khó có thể điều động công việc ở nhà, thông qua mạng internet. Hay cảnh sát giao thông cũng không chỉ quan sát và phân luồng dựa vào camera giám sát các tuyến đường.

Có những tình huống đòi hỏi phải có mặt, giải quyết tức thời ngay tại hiện trường. Vì thế, để công chức làm việc ở nhà, theo tôi là giải pháp chưa làm được, dù có thể sẽ góp phần nhỏ trong việc giảm kẹt xe của thành phố”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.

Xem xét không gian, thời gian làm việc

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM cho rằng phải xem xét hai yếu tố là không gian và thời gian làm việc.

Có những người rời khỏi công sở về nhà nhưng vẫn miệt mài, có thể vì đam mê hoặc yêu cầu công việc. Trong khi đó, có những loại hình công việc cho phép người làm không nhất thiết phải đến cơ quan, công ty mà có thể linh động chọn cho mình không gian tại nhà, quán cà phê…

“Khái niệm về không gian, thời gian làm việc đã không còn cứng nhắc như xưa. Việc người lao động được quyền chọn không gian và thời gian phù hợp, miễn sao đáp ứng được yêu cầu công việc phụ thuộc rất nhiều vào định hướng của cơ quan chủ quản.

Thực tế cho thấy rất nhiều công ty, nhất là những công ty liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin đã mạnh dạn cho nhân viên làm việc từ xa”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đối với các cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp dân, giải quyết hồ sơ cho người dân việc có mặt ở cơ quan gần như là bắt buộc. Vì thế, đặt ra vấn đề làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước trong điều kiện hiện nay là còn khá sớm, ông Nghĩa phân tích.

Làm việc ở đâu cũng vậy, hiệu quả mới là quan trọng

Đây là ý kiến rất đáng cho chúng ta nghiên cứu thực hiện. Nhiều công việc có làm tại nhà, chẳng hạn như biên tập viên nhà xuất bản, kế toán, cán bộ nghiên cứu... Người ham nhậu nhẹt thì ở đâu cũng tìm cách thực hiện thói hưởng thụ, còn những người có tư cách, trách nhiệm, lòng tự trọng thì làm ở nhà hay ở cơ quan họ vẫn hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Ngày nay chúng ta có phương tiện thông tin hiện đại kiếm soát và nhận kết quả nhanh chóng. (Nguyễn Nam Bộ)

Mình nghĩ cứ khoán việc rồi cho công chức, viên chức ở nhà làm việc sẽ có lợi nhiều đường. Mình đã từng có ý định xin phép sếp việc này. (Mai Hương)

Hiệu quả công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng hạn và trước thời hạn là yếu tố hàng đầu. Làm việc tại nhà vừa tiết kiệm được xây dựng cơ sở vật chất, tránh lên cơ quan trà nước cả buổi, vừa tốn điện, tốn trà. (Nguyen Su Dung)

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong ngày:

>> TS Nguyễn Đức Nghĩa

>> ThS Lê Minh Tiến

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục