18/02/2017 07:19 GMT+7

Nhiều hãng ôtô Nhật rời Việt Nam, không bất ngờ

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM khẳng định nhiều hãng ôtô Nhật có thể rút khỏi VN. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thông tin này không quá bất ngờ.

Ôtô nhập khẩu từ ASEAN, Ấn Độ giá rẻ đang là thách thức không nhỏ với ngành sản xuất ôtô trong nước. Trong ảnh: ôtô Hyundai i10 nhập khẩu từ Ấn Độ đang được bày bán tại TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Ôtô nhập khẩu từ ASEAN, Ấn Độ giá rẻ đang là thách thức không nhỏ với ngành sản xuất ôtô trong nước. Trong ảnh: Ôtô Hyundai i10 nhập khẩu từ Ấn Độ đang được bày bán tại TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Theo ông Takimoto Koji, trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, một số doanh nghiệp ôtô nước này có thể rút khỏi VN vì thực tế công nghiệp hỗ trợ tại VN chưa phát triển cộng với việc vào năm 2018, lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do AFTA quy định mức thuế nhập khẩu xe từ ASEAN giảm còn 0%.

Trao đổi với TTO, đại diện công ty Toyota Việt Nam cho biết, do quy mô thị trường VN với sản lượng xe hàng năm còn quá nhỏ nên việc lắp ráp gặp nhiều khó khăn vì chi phí liên quan quá cao. Hiện nay, chi phí sản xuất linh kiện trong nước cao hơn chi phí khi nhập khẩu.

Không quá bất ngờ

Nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật có thể sẽ rút khỏi VN. Trong ảnh: Tại một cơ sở lắp ráp ô tô. Ảnh: Anh Đức
Nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật có thể sẽ rút khỏi VN. Trong ảnh: Tại một cơ sở lắp ráp ô tô. Ảnh: Anh Đức

Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vấn đề đang gặp phải ở ngành công nghiệp phát triển ôtô của VN là trước đây chiến lược, chính sách của chúng ta chưa rõ ràng và ổn định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, thứ hai là vấn đề về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ kết quả mang lại còn rất hạn chế và thứ ba là quy mô thị trường, khả năng cạnh tranh khi thuế nhập khẩu ngày càng giảm.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong (ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập thì chuyện doanh nghiệp đi hay ở là chuyện sớm muộn, không quá bất ngờ. Vấn đề này Chính phủ ta đã lường trước khi quyết định hạ thuế để tăng sự cạnh tranh.

Ông Phong cho biết: “Suốt thời gian qua, chúng ta đã bảo hộ các doanh nghiệp quá nhiều nhưng doanh nghiệp lại “không chịu” nội địa hóa. Việc các doanh nghiệp tính toán lợi ích, ở lại hay ra đi là chuyện bình thường. Quan trọng là ta phải thực hiện đúng cam kết hội nhập, tính tới lợi ích tổng thể bao gồm thị trường phát triển, người dân có được mua hàng ngày càng rẻ với chất lượng ngày càng cao hay không, khuyến khích sản xuất những gì mà VN có lợi thế”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định thông tin trên có thể như một “đòn cân não” để các cơ quan chuyên môn nhìn nhận về chiến lược phát triển công nghiệp ôtô. Dù vậy, ông Long đồng tình không nên quá lo ngại vì thị trường ôtô có sự cạnh tranh của rất nhiều hãng, không phải chỉ của riêng các hàng ôtô Nhật Bản.

Chú trọng hình thành chuỗi cung ứng

Ôtô lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Ôtô lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Ngô Trí Long đặt vấn đề, quyết định phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến năm 2025, tầm nhìn 2035 của chúng ta đã làm vậy thìn trước thông tin của JETRO đặt ra câu hỏi liệu có thực thi được hay không? VN có nên tiếp tục phát triển ngành sản xuất ôtô không và đòi hỏi giải quyết những chồng chéo về các quy định ra sao trong xu thế đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu mua xe ôtô trở nên bình thường, không còn là quá xa xỉ.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Tư duy sản xuất một chiếc ôtô “made in VN” cần xem lại. Chúng ta chỉ cần làm một bộ phận nào đó rồi chuyển sang lắp ráp. Nội địa hóa 100% không còn phù hợp, thay vào đó nên hình thành chuỗi cung ứng, trong đó ta có thể sản xuất một chiếc lốp xe thôi mà xuất khẩu mạnh toàn thế giới hơn là sản xuất một chiếc ôtô nhưng chất lượng không tới đâu”.

Theo TS Võ Trí Thành "nên có tầm nhìn mang tính khu vực và toàn cầu, phải gắn với rất nhiều chính sách mang tính nhất quán, đồng bộ và khôn khéo phải tính toán cách thức hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài gắn với cam kết chuyển giao công nghệ”.

Ngoài ra, chú ý muốn làm ô tô phải có lợi thế về quy mô (thị trường phải đủ lớn, có thể là thị trường trong nước và nước ngoài); phải có tính sản xuất phân khúc rất cao, theo mạng sản xuất chuỗi giá trị, mỗi một quốc gia có thể có lợi thế để làm một bộ phận nào đó và cuối cùng là chuyển giao công nghệ.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

PGS.TS Nguyễn Minh Phong

TS. Võ Trí Thành

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục