01/12/2016 11:24 GMT+7

Cha mẹ cũng từng yêu, sao tới con khó quá?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Tâm sự của một người mẹ lo lắng vì cậu con trai học lớp 12 có bạn gái và sa sút học hành nhận được nhiều đồng cảm, sẻ chia từ những phụ huynh khác và cả các bạn trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bất ngờ, hoảng hốt và phản ứng đôi khi thái quá là những ứng xử thường gặp của nhiều vị phụ huynh khi phát hiện chuyện con trẻ có bạn trai, bạn gái khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo các chuyên gia tâm lý, cách bố mẹ đối mặt với vấn đề sẽ góp phần quan trọng vào việc con có mở lòng chia sẻ, lắng nghe lời khuyên, định hướng từ bố mẹ hay lại càng chống đối, trốn vào thế giới riêng và tự làm điều mình cho là đúng.

Không thể cấm con yêu

Chị Minh, một phụ huynh có con biết yêu khi đang học lớp 12, cho biết ban đầu chị khá sốc nhưng bình tĩnh lại thì thấy việc con có những cảm xúc giới tính, những rung động đầu đời ở tuổi này là hoàn toàn bình thường.

Vì thế thay vì cấm đoán, chị chọn cách “sống chung, lèo lái lũ”. Chiều thứ bảy hằng tuần là giờ hẹn của hai con, chị gợi ý cho hai cháu đến nhà và ôn bài cùng nhau, mẹ sẽ ngồi ngoài vừa làm việc nhà vừa âm thầm quan sát.

“Dù đã trang bị cho con đầy đủ kiến thức về giới tính nhưng lo thì vẫn lo, tâm lý cha mẹ là vậy. Con trai thấy mình lo còn đùa “con chưa dắt cháu nội về đâu”. Mình cũng vừa dạy con vừa nói vui rằng: cho mẹ nhắn với bạn ấy là cho con trai mẹ một tháng tập trung ôn bài thôi, con trai mẹ thi đậu rồi thì mẹ cho hai đứa đi chơi, mẹ hứa đấy. Rốt cuộc mọi chuyện cũng đâu vào đó”, chị Minh nhớ lại.

Không phải vị phụ huynh nào cũng có được sự bình tĩnh và đối thoại cùng con như thế, nhất là trong tình huống nhìn thấy rõ ràng những sa sút về kết quả học tập.

TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết trong quá trình tham vấn, chị gặp không ít phụ huynh tìm cách cấm, ngăn cản khi biết con có bạn trai, bạn gái, thậm chí có người chuyển trường, kiểm soát chặt chẽ giờ giấc bằng cách đưa đi, đón về và không cho con gặp gỡ người bạn của mình. Theo bà Thúy, đây là cách làm không hay, phản cảm và dễ dẫn đến hành vi chống đối bố mẹ từ con cái.

“Trẻ dậy thì có những cảm xúc giới tính với người khác sớm hơn tuổi cha mẹ ngày xưa rất nhiều và không thể tránh được. Theo tôi, cha mẹ nên tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý của giới trẻ ngày nay. Khi có những rung cảm giới tính thì việc thích ai đó một cách đặc biệt hoặc yêu ai đó thật sự cũng không phải là điều khó hiểu. Càng cấm trẻ sẽ càng tổn thương và phản ứng lại bằng cách bỏ học, giận dữ, cãi lời cha mẹ, bỏ nhà đi và có những hành vi sai lầm hơn”, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.

ThS Lê Thị Minh Hoa, Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật TP.HCM, kể chị từng tư vấn, trò chuyện với nhiều bạn trẻ có ý định bỏ nhà đi, tự tử, bỏ thi vì bố mẹ ngăn cấm chuyện hai đứa yêu nhau. Có những đứa trẻ vì quá buồn mà sinh ra trầm cảm khi cho rằng bố mẹ không hiểu mình. Có những em gặp chuyên gia tâm lý và hỏi ngay: "Tại sao bố mẹ từng ở độ tuổi như con mà lại không hiểu con vậy cô?".

“Việc cấm đoán của bố mẹ có thể đẩy con vào sâu hơn trong thế giới của mình, thế giới mà bố mẹ không thể chạm vào. Đây là tình huống thường gặp trong ứng xử giữa bố mẹ và những bạn học sinh THCS, THPT có những rung động, rung cảm đầu đời”, ThS Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, nói.

Theo ông An, nói đi cũng phải nói lại, sự phát triển quá nhanh chóng về mặt tình cảm ở các bạn trẻ cũng là hồi chuông cảnh báo và sự lo lắng của bố mẹ là hoàn toàn có cơ sở.

ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng phải thấu hiểu và thông cảm các phụ huynh trong tình huống này bởi trên tất cả, họ vẫn muốn dành tất cả tình yêu thương và mọi điều tốt đẹp nhất cho con.

“Nhiều người trách phụ huynh nhưng mình nghĩ ai có con rồi sẽ hiểu, khó lắm. Không thể không lo khi có những quán ăn uống gần trường học dành hẳn phòng riêng cho các cặp đôi học trò. Chính tôi từng làm việc với hiệu trưởng một trường THPT để nhờ cô báo với chính quyền địa phương tìm hướng xử lý. Nhưng dù gì đi nữa thì thương con cũng phải đúng cách”, ThS Lê Thị Minh Hoa bày tỏ.

Cái khó là ứng xử của cha mẹ hai bên

TS Phạm Thị Thúy cho rằng trước tiên bố mẹ phải ủng hộ con, ủng hộ không có nghĩa là con phép con yêu một cách thoải mái mà là tôn trọng những cảm xúc của con.

“Khi thấy con có những biểu hiện khác thường, bố mẹ nên quan sát và trò chuyện, tâm tình, gợi mở để con kể, đừng để mình là người biết sau cùng mọi chuyện về con”, bà Thúy nói.

Cụ thể hơn, ThS Đào Lê Hòa An khuyên bố mẹ và con cái nên đặt chân vào chiếc giày của nhau trên nguyên tắc thấu hiểu và đồng cảm để tìm được tiếng nói chung. 

Bố mẹ cũng có thể  “hóa thân” bằng cách kể chuyện của mình ngày xưa và gợi mở con cái chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ. Từ những thấu hiểu, bố mẹ sẽ phòng tránh được rất nhiều tình huống mà mình không thể tiếp cận”, ThS Đào Lê Hòa An chia sẻ.

Gợi mở cách giải quyết là hai bên bố mẹ có thể tìm gặp và nói chuyện với nhau, tuy nhiên ThS Lê Thị Minh Hoa lưu ý rằng phụ huynh đừng nói qua lại rằng “tại con anh mà con tôi học hành sa sút” hay “con chị dụ dỗ con trai tôi” vì những lời nói này chỉ làm hai đứa trẻ buồn và suy sụp hơn.

“Bố mẹ có thể ngồi bàn bạc xem giờ nào cho hai con được gặp nhau, đi chơi ở đâu, phải báo với cha mẹ thế nào, mục tiêu phấn đấu ở trường là gì, định hướng lâu dài ra sao… Cha mẹ đừng giám sát quá khắt khe mà hãy quan tâm các con bằng tình thương của mình. Mời một nhóm bạn cùng lớp đến học tập chung để khích lệ tinh thần, động viên các con cũng là một giải pháp”, ThS Lê Thị Minh Hoa gợi ý.

Dạy trẻ trân trọng bản thân và cơ thể mình

Theo TS Phạm Thị Thúy, quá trình giáo dục giới tính nên bắt đầu từ rất sớm để trẻ hiểu, trân trọng bản thân, bảo vệ cơ thể mình và tôn trọng những người xung quanh. Từ đó, trong các mối quan hệ bạn bè và tình cảm, trẻ sẽ biết giữ giới hạn, biết đâu là hành vi đụng chạm không phù hợp, điều gì cần giữ ý…

“Chọn bạn mà chơi, chọn người mà yêu là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Hãy cho con hiểu bằng những ví dụ cụ thể và sự chân thành của bố mẹ. Để con hiểu tình yêu quan trọng và quý giá vô cùng, hãy cẩn thận, cân nhắc kỹ trước khi yêu ai đó”, bà Thúy nói.

Nghe các phát biểu trong bài:

>> TS Phạm Thị Thúy

>> ThS Lê Thị Minh Hoa

>> ThS Đào Lê Hòa An

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục