29/10/2016 06:59 GMT+7

Nên chăng xử lý hình sự trẻ từ 14-16 tuổi phạm tội?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Hàng trăm ý kiến bạn đọc băn khoăn về vấn đề này khi mới đây, trong buổi thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự, các đại biểu Quốc hội bày tỏ những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc bỏ quy định xử lý hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

Vẫn xử lý để bảo đảm tính răn đe

Theo luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM, với tình hình thanh thiếu niên phạm tội ngày càng phức tạp thì việc giữ nguyên quy định xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm các tội kể trên là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, giáo dục.

“Đây là những đối tượng đang trong giai đoạn phát triển, dễ manh động, sự hiểu biết về pháp luật, cuộc sống chưa cao. Nếu không có biện pháp chế tài mang tính răn đe hiệu quả về mặt pháp luật thì có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường về mặt an ninh, trật tự xã hội. Trong những năm tới, tùy vào những diễn biến xã hội, nếu có sự tiến triển tích cực hơn thì hãy tính đến việc bỏ quy định này” - ông Quý nói.

Luật sư Lê Quang Vũ phân tích ngày nay, số lượng giới trẻ nghiện game, ma túy, xem phim ảnh đồi trụy, xúc phạm nhau trên mạng xã hội, học viên cai nghiện trốn trại ngày càng nhiều.

Đây là một số nguyên nhân dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người trẻ phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng, làm cho tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng bất ổn.

Do đó, theo luật sư Vũ, đề xuất này trong tình hình hiện nay là không phù hợp, không đảm bảo tính giáo dục răn đe, phòng ngừa tội phạm, có thể dẫn đến hậu quả người dân mất niềm tin vào pháp luật vì tội phạm gia tăng mà không bị xử lý.

“Theo tôi, cần giữ nguyên quy định cũ để có căn cứ xử lý các đối tượng phạm tội, bảo vệ người bị hại và khi xử lý cần xem xét hoàn cảnh nhân thân người chưa thành niên phạm tội để áp dụng mức hình phạt phù hợp và công bằng. Đối với người phạm tội là học sinh, sinh viên cần áp dụng hình phạt mang tính giáo dục giúp các em sửa chữa sai lầm, tạo điều kiện để các em tiếp tục đến trường. Đối với người phạm tội có nhân thân xấu, ăn chơi lêu lổng thì cần xử lý nghiêm khắc hơn để giáo dục răn đe nhiều hơn” - luật sư Lê Quang Vũ chia sẻ thêm.

Lo ngại xử lý hình sự gây tác dụng ngược

Đó là chia sẻ của luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, về vấn đề giữ lại quy định xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng.

Theo ông Nghiêm, việc trừng phạt những người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng bằng các chế tài hình sự là không nhân văn và không tạo ra được những điều kiện về vật chất, tinh thần để người đó hối lỗi, sửa sai và làm lại cuộc đời mình.

“Phải có những biện pháp giáo dục khác có ý nghĩa hơn đối với các đối tượng này, tạo điều kiện để họ ăn năn và cố gắng rèn luyện để làm người có ích sau này thay vì đẩy họ vào cảnh mang án hình sự cả đời. Chế tài hình sự trong những trường hợp này nhiều khi còn tác dụng ngược, tạo nên sự buông xuôi…” - ông Nghiêm bày tỏ sự băn khoăn.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch đánh giá đây là xu hướng chung của pháp luật các nước tiến bộ, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà VN đã tham gia ký kết.

“Thực tế cho thấy người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng và với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn nhưng không phải vì tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà chúng ta bỏ đi các điều ước quốc tế đã ký, cam kết thực hiện và các nguyên tắc của chính sách hình sự đặc biệt đối với chủ thể đặc biệt này” - ông Trạch nhấn mạnh.

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, xuất phát từ những đặc điểm về vấn đề tâm lý của người chưa thành niên từ 14 đến 16 tuổi thì xử lý hình sự không phải là biện pháp duy nhất bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Cụ thể về biện pháp, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng tuy miễn trách nhiệm hình sự nhưng có thể áp dụng các biện pháp tư pháp có tính giáo dục khác như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng…  

Tuy nhiên, các biện pháp tư pháp này phải được tiến hành bởi những người có chuyên môn cao, tránh trường hợp áp dụng các biện pháp không phù hợp tâm lý lứa tuổi, dẫn đến người chưa thành niên phạm tội có thái độ chống lại, không thấy được lỗi lầm của bản thân, dễ tái phạm hoặc bị lôi kéo tiếp tục phạm tội với mức độ nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, còn phải kết hợp các biện pháp khác như an sinh xã hội, tạo điều kiện học tập, giúp công ăn việc làm, mở rộng nhiều sân chơi lành mạnh… cho các chủ thể đặc biệt này.

Ứng xử thông minh với trẻ chưa thành niên phạm tội

Trong nghiên cứu về Tình trạng gia tăng tội phạm ở người chưa thành niên, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc (Viện Nghiên cứu con người) chỉ ra kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc giải quyết vấn đề người chưa thành niên phạm tội.

Tại Anh, đối với rất nhiều người chưa thành niên thì “các hình phạt chính thức của pháp luật chỉ góp thêm vào việc làm hình thành bản chất tội phạm trong trẻ, bởi khi một người chưa thành niên bị “gắn mác” là tội phạm, họ sẽ “được” đồng thời tiếp thu những thái độ và hành vi tội phạm”.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại New Zealand khi những người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý thông qua hệ thống tòa án thanh thiếu niên có xu hướng tái phạm cao gấp hai lần số người được xử lý bằng các biện pháp xử lý chuyển hướng. .

Luật người chưa thành niên có tại Nhật từ lâu với mục đích giúp những người chưa thành niên phạm tội phát triển tốt, tiến hành những biện pháp bảo vệ để thay đổi tính cách và tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất để điều chỉnh họ không mắc phải sai lầm.

"Khi trẻ chưa thành niên phạm tội, cho dù chỉ do một hành động bồng bột, nhất thời nào đó trong giai đoạn tâm sinh lý đặc biệt nhạy cảm của các em, thì những cơ hội phát triển và tỏa sáng của chúng dường như sẽ bị thui chột. Các em sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn ai hết. Đặc biệt, trong trường hợp đó, nếu chúng ta - những bậc cha mẹ, các nhà giáo dục hay giới xây dựng pháp luật không có cách ứng xử thông minh, có thể sẽ phải chứng kiến những thảm họa gia đình và xã hội khó lường" - bà Ngọc chia sẻ. 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục