26/09/2016 07:38 GMT+7

“Thần chết" được chở lung tung trên đường không dẹp được?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG

TTO - Ngày 23-9,  một bé trai 9 tuổi đi xe đạp đâm vào xe chở tôn bên lề đường, bị tôn cứa cổ chết. Chiều 25-9, lại một phụ nữ 66 tuổi chết tức tưởi do bị tấm tôn cứa cổ khi đi trên đường...

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé bị tôn cứa vào cổ tử vong - Ảnh: FB BEATVN

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé bị tôn cứa vào cổ tử vong - Ảnh: FB BEATVN

Người dân không ai lạ khi thấy xe thô sơ chở tôn, sắt, thép, kính…cồng kềnh, quá khổ, nhan nhản chạy khắp phố. Hàng trăm bạn đọc bức xúc: “Liệu có dẹp được nạn chở “thần chết” này? 

Chiều 25-9, lại có thêm một nạn nhân chết do bị tấm tôn cứa cổ. Đó là một phụ nữ 66 tuổi quê ở Hòa Bình, tử vong sau một giờ được cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện 103.

Trước đó hai ngày, câu chuyện gây thương xót, tạo thành một cơn bão mạng, làm hàng ngàn người bức xúc là một bé trai 9 tuổi trong lúc đi xe đạp đâm vào xe chở tôn đậu bên lề đường và bị tấm tôn cứa cổ gây tử vong tại Hà Nội.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tấm tôn có chiều dài và rộng vượt hẳn ra ngoài thùng xe. Trong khi đó, theo quy định thì TP Hà Nội đã cấm xe ba bánh, xe ba gác, xe xích lô hoạt động trong địa bàn.

Tai nạn hay có lỗi của người chở vật cồng kềnh?

Theo luật sư Lê Cao về vấn đề trách nhiệm trong trường hợp thương tâm trên, cần xác định các yếu tố lỗi của những người liên quan. Trường hợp người điều khiển xích lô chở vật cồng kềnh, gây mất an toàn trong lưu thông thì đây được xem là lỗi vi phạm quy định tại Điều 30, 31 Luật giao thông đường bộ.

“Có thể thấy lỗi một phần thuộc về người điều khiển xích lô. Tuy nhiên trách nhiệm pháp lý cụ thể cần đánh giá nhiều góc độ chứ chưa thể khẳng định được một cách rõ ràng”, LS Lê Cao phân tích.

Theo ông Cao, người chở tôn trong trường hợp này rõ ràng không hề cố ý gì trong việc gây ra tai nạn. Tuy nhiên, đây là bài học xương máu đối với những người chuyên chở các loại vật liệu cồng kềnh.

Dù đánh giá đây là một tai nạn nhưng luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng không vì thế mà người chở tôn cũng như chủ phương tiện vận chuyển không bị liên đới trách nhiệm. Việc chở hàng quá cồng kềnh là vi phạm pháp luật.

Ông Nghiêm cho hay: “Khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường phố thì người chịu trách nhiệm dân sự là chủ phương tiện. Với xe thô sơ thì thường chủ phương tiện cũng là người điều khiển phương tiện. Họ thường là người nghèo, ít có khả năng kinh tế. Nếu chủ phương tiện có khả năng kinh tế lớn thì việc đền bù đơn giản hơn”.

Theo ông Nghiêm, người nghèo, người thiếu hiểu biết pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khi có vấn đề ảnh hưởng đến an toàn trật tự giao thông, gây tổn hại đến tính mạng của người khác.

Không thể lấy cớ mưu sinh

Một số ý kiến cho rằng có thể xử phạt “nhẹ tay” trong trường hợp này, vì thứ nhất đây là tai nạn không ai mong muốn, thứ hai, người điều khiển phương tiện trong trường hợp này nhiều khả năng là người nghèo, không có nhiều điều kiện tài chính.

Nhiều bạn đọc đã phản bác ý kiến trên.

LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng luật pháp đã quy định rõ trong từng trường hợp, không thể nói vì mưu sinh mà không chấp hành theo.

LS Thái Văn Chung nói: “Vận chuyển hàng hóa thì phương tiện phải có đủ điều kiện đảm bảo vận chuyển. Chở tôn rất nguy hiểm, chưa kể đến là khi chở tôn ở những vị trí có khả năng quan sát kém, góc cua vì người ta thường chạy xe theo quán tính, chỉ nghĩ tránh những xe máy bình thường”.

Theo các luật sư thì sự nghiêm khắc của pháp luật nằm ở việc nghiêm túc thực thi giám sát các sai phạm giao thông ngay từ đầu chứ không phải là cách khắc phục các hậu quả đau thương thường thấy ở nhiều trường hợp tai nạn thương tâm.

Trách nhiệm của CSGT?

Ở một khía cạnh khác, LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng ý thức luật pháp của người tham gia giao thông là một phần, một phần khác còn nằm ở ý thức trách nhiệm của CSGT. Nhiều trường hợp CSGT vì nhiều lý do mà “nhắm mắt bỏ qua” cho những trường hợp sai phạm.

Một phần lý do theo LS Thái Văn Chung, hiện nay Bộ Giao thông và Vận tải đã có quy định về xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên những quy định này thường chỉ áp dụng cho xe ô tô, tải còn xe thô sơ thì chỉ có những quy định chung chung, do vậy không có quy định xử phạt với những trường hợp sai phạm.

Điển hình như Thông tư số 35 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải chỉ quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ.

“Vấn đề là luật hiện nay chưa quy định cụ thể đối với những loại xe tự chế, xe ba gác và độ dài kích thước của loại hàng hóa… Tuy nhiên, người chở hàng trên xe ba gác, xe xích lô vẫn phải có trách nhiệm với sự an toàn của người đi đường bằng cách chằng buộc hàng hóa gọn gàng trong quá trình vận chuyển.”, ông Chung nói.

Cần dẹp kiểu chở "thần chết" trên đường

Bạn đọc Kim Thu (TP.HCM) kể: “Ngày nào tôi đi làm cũng chứng kiến các xe honda, xe ba bánh chở vật liệu xây dựng như tôn, ống nước, thanh inox dài hơn 4 mét. Tuy nhiên, họ vẫn lưu thông kiểu chen xe, lấn làn gây nguy hiểm cho các phương tiện khác mà tôi thấy công an đứng chốt không hề nhắc nhở hoặc bắt phạt”.

Chị Thu cho rằng, phải có hình thức xử lý nặng, tịch thu xe hoặc thu giữ hàng hoá để hoàn toàn chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt. Chúng ta không nên biện hộ là vì mưu sinh.

Chị Hồng Thắm (Đồng Nai) cho biết: “Từ lâu rồi, những tai nạn thế này đã có, chỉ là lần này được mọi người chú ý hơn. Xin hãy tôn trọng mạng sống của người khác. Phải có biện pháp khác để vận chuyển chứ thời buổi nào rồi mà còn dùng mấy cái xe loại này?”.

Hàng loạt bạn đọc đề xuất rằng đã có quy định rõ các loại xe được chở hàng như thế nào, cảnh sát giao thông phải thực hiện nghiêm các quy định này. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> LS Bùi Quang Nghiêm:

>> LS Thái Văn Chung: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục