17/05/2016 06:07 GMT+7

Tái lập lực lượng săn bắt cướp - SBC thế nào?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Nhiều ý kiến đề xuất quanh vấn đề tái lập lực lượng săn bắt cướp - SBC để kéo giảm tình hình tội phạm ở TP.HCM.

Các “hiệp sĩ” bắt cướp trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Facebook của Đội SBC TP.HCM
Các “hiệp sĩ” bắt cướp trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Facebook của Đội SBC TP.HCM

Bạn đọc đề xuất nhân rộng các mô hình hiệp sĩ bắt cướp

Nêu lên sự cần thiết phải thành lập đội SBC, bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho rằng “khi công an còn chưa kịp đến, người dân không dám can thiệp vì sợ liên lụy thì việc tổ chức tổ SBC là việc làm hay". Nhiều ý kiến cho rằng nên nhân rộng mô hình hiệp sĩ ở mỗi địa bàn.

Một số bạn đọc góp ý phải có quy định rõ ràng để tránh việc lạm quyền của đội SBC. Bên cạnh đó, lực lượng SBC phải được trang bị công cụ làm việc và những hỗ trợ hợp lý về mặt kỹ năng, hiểu biết pháp luật, tài chính.

“Tất cả đều minh bạch, công khai và có sự hậu thuẫn của xã hội để họ hoàn thành nhiệm vụ” - bạn đọc viết.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Tuấn cho rằng cần phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để trấn áp tội phạm.

Quần chúng là nguồn tin, là nguồn lực tạo nên mạng lưới thông tin, nghiệp vụ vô giá.

SBC là lực lượng chủ công, khi cần sẽ tung ra những cú đánh sấm sét, làm tội phạm khiếp sợ.

Song song với việc xây dựng cộng đồng đề kháng, hợp tác với SBC trong phòng chống tội phạm.

SBC không chỉ là lực lượng bắn súng, rượt đuổi ì đùng trên đường phố mà còn là đơn vị chuyên sâu, tinh nhuệ để tấn công các băng nhóm tội phạm nguy hiểm có khả năng biến hình, che đậy và ngụy trang dài lâu.

Vì thế, trong tình hình hiện nay, việc thành lập lại SBC là cần thiết, vừa là đáp ứng nhu cầu chống tội phạm, vừa hun đúc lý tưởng và xây dựng hình ảnh đẹp về người công an trong mắt người dân.

                   Bạn đọc Hoàng Linh

“Phải biết dựa vào dân và tạo được niềm tin cho người dân, cũng như bảo vệ tính mạng tuyệt đối người cung cấp thông tin. Đồng thời phải xử lý triệt để những tên giang hồ cộm cán. Người dân cần có giải pháp lâu dài chứ không muốn làm theo thời điểm, phong trào” - bạn đọc nêu quan điểm.

Huy động sức mạnh từ nhân dân

Đồng tình với ý kiến của nhiều người dân, thiếu tá, Th.S Trần Thị Hương (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm) nhận định sự hỗ trợ của người dân là hết sức cần thiết trong vấn đề trấn áp tội phạm.

TS Lê Nguyên Thanh - trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng nên rà soát lại xem quyền, nghĩa vụ của tổ chức SBC ngày xưa có khác gì với tổ chức thay thế hiện nay hay không.

“Nếu lực lượng thay thế hoạt động không hiệu quả bằng thì có thể khôi phục đội SBC hoặc tổ chức lại lực lượng hiện hành trên cơ sở xem xét lại cách thức tổ chức, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ”- TS Lê Nguyên Thanh nói.

Mặt khác, TS Lê Nguyên Thanh nhận định nguyên lý xử lý tội phạm là phải huy động, kêu gọi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, không chỉ có lực lượng công an.

Vì thế, việc bổ sung mô hình xã hội hóa hoạt động phòng chống tội phạm là cần thiết. Việc xã hội hóa này có thể được thực hiện trên cơ sở ghi nhận, tổ chức những tổ chức tình nguyện như các đội hiệp sĩ.

“Họ sẽ giống như những “cánh tay nối dài” của công an ở từng cung đường, ngõ ngách. Lực lượng này giúp sức cho công việc của công an nhưng không phải là công an. Giống như khi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, có sự giúp sức điều tiết của lực lượng thanh niên xung phong”, TS Lê Nguyên Thanh nêu ý kiến.

Đào tạo kỹ về kỹ năng, hiểu biết pháp luật

Về mặt rủi ro, TS Lê Nguyên Thanh nhận định nếu để các tổ chức tình nguyện như hiệp sĩ hoạt động tự do, tự quản, thiếu sự bồi dưỡng, giám sát thì có nguy cơ lạm quyền, thậm chí là vi phạm pháp luật mà không hay biết.

“Có thể nhìn thấy tiềm năng của những tổ chức này trong nhân dân, thực tế cũng đã có các đội SBC hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, ranh giới giữa người hùng và người phạm tội còn khá mong manh.

Vì thế, cần đưa lực lượng SBC tình nguyện vào mô hình quản lý cụ thể, có thể giao cho cơ quan công an địa phương quản lý, vận hành. Việc tổ chức, kiểm soát và đào tạo lực lượng này phải thật sự cẩn trọng và bài bản để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình trấn áp tội phạm”, TS Lê Nguyên Thanh lưu ý.

Đầu tiên về mặt kỹ năng, TS Lê Nguyên Thanh cho rằng nên có những buổi, khóa đào tạo về kỹ năng chuyên môn, cách thức xử lý các tình huống, quy trình làm việc…

Ngoài ra, cần có những buổi sinh hoạt, tuyên truyền về kiến thức pháp luật, hành lang an toàn, những điều lực lượng SBC tình nguyện được và không được làm…

Xây dựng hành lang pháp lý chuyên biệt?

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, với hành lang pháp lý hiện nay, có luật chuyên ngành điều chỉnh, có thể nói hành lang pháp lý đã quá vững chắc, thiết nghĩ nên tái lập lực lượng SBC để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng TP.HCM là một nơi đáng sống, nghĩa tình.

Ông Trạch cho rằng để những “cánh tay nối dài” của công an hoạt động có hiệu quả, an toàn, cần phải xây dựng một hành lang pháp lý chuyên biệt, bảo đảm các thành viên của lực lượng có những quyền lợi về mặt vật chất và được pháp luật cho những quyền ưu tiên để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trấn áp được các đối tượng cướp giật.

Mặt khác, các trường hợp thành viên của lực lượng SBC cố tình vi phạm các quy định, gây ra các hậu quả không đáng có hoặc vi phạm pháp luật, đều bị xử lý nghiêm khắc, bảo đảm tính công bằng, minh bạch của pháp luật, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> TS Lê Nguyên Thanh

>> ThS Trần Thị Hương 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục