01/03/2016 06:06 GMT+7

Quy hoạch vỉa hè sao cho dân nhờ thì quy hoạch

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN

TTO - “Toàn bộ vỉa hè thành đường đi xe máy với nơi kinh doanh buôn bán, người dân đi vào đâu?”, câu hỏi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã làm nức lòng nhiều người.

Trước cửa Bệnh viện Giao thông Vận tải (Q.3, Tp.HCM), các gánh hàng rong lấn chiếm hết cả lề đường để buôn bán - Ảnh: Duyên Phan
Trước cửa Bệnh viện Giao thông Vận tải (Q.3, TP.HCM), các gánh hàng rong lấn chiếm hết cả lề đường để buôn bán - Ảnh: Duyên Phan

Bởi đó cũng chính là thắc mắc bấy lâu nay của những người dân không tìm được lối đi bộ trên vỉa hè, một nơi mà chức năng chính là dành cho người đi bộ.

Dẹp hàng quán, trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Đây là ý kiến nhận được nhiều đồng tình nhất của bạn đọc TTO. Nhiều người chia sẻ họ buộc phải đi xuống lòng đường vì “trên vỉa hè còn chỗ đâu mà đi” khi hàng quán, chỗ đậu xe… chiếm trọn diện tích rồi.

Chị Ngọc Bích (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng vỉa hè không chỉ là nơi dành cho người đi bộ, đó còn là bộ mặt của đô thị và góp phần tạo nên thiện cảm cho du khách nước ngoài khi đến du lịch.

“Có lần một người bạn nước ngoài của tôi đến TP.HCM du lịch, anh ấy rất ngạc nhiên tại sao trên nhiều tuyến đường, xe máy lại được phép đậu trên vỉa hè. Nếu vỉa hè nhếch nhác, không có đường cho người đi bộ, người dân và khách du lịch phải bất chấp nguy hiểm mà đi xuống lòng đường thì chưa gì đã mất điểm trong mắt nhiều người rồi”, chị Ngọc Bích nói.

“Giăng toàn bộ bàn ghế, xe đẩy đầy vỉa hè. Rửa nước thì đổ từ sân ra đường, mất vệ sinh, mất trật tự. Khói than nướng thức ăn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến các người dân có nhà ở xung quanh”, một bạn đọc chia sẻ nỗi bức xúc của mình về việc vỉa hè bị chiếm dụng làm quán ăn và những hệ quả của nó.

Bạn đọc Duy Quang thẳng thắn cho rằng việc cho thuê vỉa hè để buôn bán, kinh doanh là một sai lầm vì nhiều lý do, trong đó có việc tiền thu được chẳng đáng là bao so với những hư hại từ việc cho thuê để lại.

“Lát gạch vỉa hè cho đẹp, cho thuê, làm hỏng, lại lát tiếp. Tiền cho thuê đủ mua gạch lát lại không?”, bạn đọc đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến thẳng thắn nói người kinh doanh phải tự sắp xếp chỗ cho mình chứ không thể lấy của cộng đồng làm của riêng cho một cá nhân hay doanh nghiệp nào.

 “Chỉ một số ít người được lợi mà gây hại cho nhiều người thì rõ ràng là nên cấm hẳn việc cho thuê vỉa hè, phải phạt thật nặng những người cố tình vi phạm. Tất cả phải vì cái chung”, bạn đọc Hà Đỗ nêu ý kiến.

Từ việc phân tích những nỗi khổ của người đi bộ, người dân sống xung quanh các khu vực vỉa hè bị lấn chiếm làm quán ăn, làm chỗ đậu xe…, nhiều người đề nghị nên dẹp hết hàng quán và trả vỉa hè về đúng chức năng giao thông.

“Phải trả lại chức năng nguyên thủy của lề đường là không gian sống về mặt xã hội và cộng đồng. Nó còn phải đủ điều kiện cho người khuyết tật di chuyển bằng xe lăn nữa. Trong điều kiện như cho tới hiện nay, xe lăn phải đi trong lòng đường cực kỳ nguy hiểm”, anh Phan Tấn Lộc chia sẻ góc nhìn của mình.

Người đi bộ phải đi được trên vỉa hè

TS Đinh Thị Thanh Bình, trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (GTVT), Trường ĐH GTVT Hà Nội, khẳng định chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Đối với những vỉa hè chỉ đủ dành cho người đi bộ thì những hoạt động khác phải cấm hoàn toàn.

“Chức năng dành cho giao thông của vỉa hè phải được ưu tiên hàng đầu. Những hoạt động khác như đậu xe hay buôn bán lấn chiếm đều không được diễn ra”, bà Thanh Bình nhận định.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, cho rằng phải thu hồi giấy phép của những hoạt động kinh doanh trên vỉa hè để trả lại lối đi an toàn cho người đi bộ.

“Những vỉa hè hẹp thì dứt khoát phải dành trọn cho người đi bộ. Những vỉa hè còn dư không gian (sau khi đã dành đủ chỗ cho người đi bộ) thì có thể căn cứ vào tình hình cụ thể mà cho phép những hoạt động khác, nhưng phải quy định và quản lý hết sức chặt chẽ”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói thêm.

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, chỉ khi nào chức năng dành cho người đi bộ đã được đảm bảo rồi mà vỉa hè vẫn còn dư năng lực, không gian thì mới tính đến những hoạt động khác trên vỉa hè, căn cứ vào nhu cầu của khu vực đó.

Tuy nhiên, TS Đinh Thị Thanh Bình cũng lưu ý đối với những trục đường chính thì không khuyến khích việc sử dụng vỉa hè vào mục đích khác vì có thể làm ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông dưới lòng đường.

“Chẳng hạn vỉa hè của trục đường chính rộng và được dùng để đỗ xe máy thì sẽ gây khó cho dòng giao thông chính vì đỗ xe thì chắc chắn phải chạy xe lên, chạy xe xuống”, TS Thanh Bình nói thêm.

Mặt khác, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết trên thế giới, phần lớn vỉa hè đều dành cho người đi bộ, không sử dụng vào mục đích khác và việc lấn chiếm luôn bị xử phạt nghiêm. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ.

“Chẳng hạn ở New York, tôi thấy có những khu vực vỉa hè có bảng thông báo được để xe hàng buôn bán từ mấy giờ đến mấy giờ. Nếu ngoài giờ đó mà cố tình đậu thì sẽ bị phạt. Hay như ở Pháp, những hàng quán trên vỉa hè là một phần tạo nên bản sắc của Paris. Người dân có thể ăn sáng, uống cà phê tên vỉa hè. Tuy nhiên, những hoạt động này đều có sự quản lý và chỉ chiếm một phần nhỏ của vỉa hè. Hàng quán không được lấn chiếm lối đi của người đi bộ”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Tùy từng khu vực, sắp xếp hợp lý

Đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai- Đinh Tiên Hoàng, trên giữ xe, dưới buôn bán, người đi bộ phải đi xuống cả lòng đường - Ảnh: Duyên Phan
Đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, trên giữ xe, dưới buôn bán, người đi bộ phải đi xuống cả lòng đường - Ảnh: Duyên Phan

Áp dụng ở Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá việc quy hoạch vỉa hè không thể áp dụng đại trà cho toàn thành phố, phải tùy từng khu vực mà có sự sắp xếp hợp lý nhất.

Theo ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, sẽ có những khu vực như khu vực có các trụ sở ngoại giao, hành chính, văn hóa… chỉ dành 100% công năng của vỉa hè cho người đi bộ, hoàn toàn không cho phép những hoạt động khác.

Khu vực thứ hai sẽ cho phép sử dụng một phần vỉa hè (sau khi đã bảo đảm chức năng dành cho người đi bộ), chẳng hạn khu vực công viên sẽ dành một diện tích nhỏ theo quy định để bán nước, bán báo...

“Những khu vực này phải được xác định rõ ràng và cấp giấy phép hoạt động. Có thể sử dụng những vạch sơn để phân cách không gian và khoanh vùng vỉa hè được cho phép sử dụng vào mục đích khác”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Khu vực thứ ba là những vỉa hè được sử dụng không hạn chế, chẳng hạn những con hẻm đóng, không có xe cộ di chuyển. Việc sử dụng này có thể giới hạn hoặc không giới hạn thời gian.

“Buổi tối cuối tuần có thể khoanh vùng một phần vỉa hè để tiến hành một hoạt động mua bán, sinh hoạt văn hóa, cộng đồng”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ví dụ.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

KTS Ngô Viết Nam Sơn

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

TS Đinh Thị Thanh Bình

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục