18/11/2015 06:33 GMT+7

Dạy lịch sử, đừng để có lỗi với tổ tiên dân tộc Việt Nam

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - AN NHIÊN

TTO - Hãy đặt môn lịch sử đúng vị thế của nó. Bỏ môn sử là có lỗi với tổ tiên dân tộc Việt Nam. Cần thay đổi là cách soạn sách giáo khoa môn sử và dạy sử...

Thầy Nguyễn Bá Tước và các em học sinh tại “tháp lịch sử” - Ảnh: M.Tâm

Không chỉ bị giới chuyên môn phản ứng gay gắt, đề án tích hợp môn lịch sử với môn giáo dục đạo đức và quốc phòng an ninh thành môn học công dân với tổ quốc cũng hứng chịu nhiều ý kiến bất bình từ phía bạn đọc.

Không thể bỏ…

Các bạn đọc yêu lịch sử khẳng định họ sẽ phản đối đến cùng đề án tích hợp này. “Đừng thấy việc dạy lịch sử khó quá, không biết phải làm sao dạy cho có hiệu quả rồi tìm cách bỏ” - một bạn đọc nói.

Các bạn đọc cũng lo ngại việc tích hợp như thế sẽ làm mất tính hệ thống của bộ môn này. Học sinh sẽ có những kiến thức rời rạc, phiến diện, không đầy đủ về lịch sử.

Các ý kiến đều đồng ý rằng, việc bỏ môn sử là có lỗi với tổ tiên, dân tộc Việt Nam cũng như với cả nhân loại trên thế giới.

Bạn đọc Trần Quang Dinh cho rằng nếu bạn bè quốc tế biết một đất nước đã có nền văn hiến tự lâu đời mà lại bỏ môn lịch sử trong chương trình giảng dạy thì chắc chắn sẽ cười chúng ta.

“Vì những cường quốc như: Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Pháp… luôn coi trọng môn học này!”, bạn đọc Trần Quang Dinh nói.

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng lo ngại: “Không biết nước ta đã đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy được môn tích hợp này chưa? Giáo viên dạy một môn đã khó giờ còn tích hợp thêm mấy môn nữa làm sao dạy được?”, một bạn đọc nói.

Một câu nói được trích dẫn nhiều trong bình luận của các bạn đọc thuộc về nhà thơ xứ Đaghestan (thuộc Liên bang Nga) Rasul Gamzatov: “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác!”

Các nhà sử học nói gì?

PGS.TS Vũ Quang Hiển (ĐH KHXHNV, ĐH QG Hà Nội) cho rằng môn lịch sử là môn đặc thù. Nó trang bị tri thức nền tảng về lịch sử và văn hóa dân tộc, điều tối quan trọng cho quá trình phát triển của mỗi con người.

“Vì tính đặc thù quan trọng như vậy nên ở hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến, người ta đều coi môn lịch sử là môn bắt buộc, cơ bản và độc lập từ giáo dục phổ thông đến đại học. Vậy thì tại sao VN thì không?”- GS.TS Hiển nêu.

Bàn về đề án tích hợp của Bộ GD-ĐT, GS Hiển cho rằng không thể lấy lý do là các môn này có những phần chung, phần chồng chéo nhau để cộng ba môn vào một.

“Bởi phần chồng chéo đó cũng không nhiều. Lấy lý do đó để gộp thì không phải là cách tích hợp môn hợp lý. Nói tích hợp là để giảm lượng tri thức nhưng thực chất chỉ giảm số lượng môn còn khối lượng kiến thức không hề giảm.

Không thể lấy tư duy cụ thể, cục bộ một vài môn học mà xây dựng một chương trình học tổng thể như cái cách Bộ GD-ĐT đang làm được. Khi các môn có liên quan đến nhau, cần dựa vào tri thức của nhau thì phải thiết kế chương trình học làm sao cho không bị trùng lặp”, GS Hiển nhận xét.

GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng nếu tích hợp môn lịch sử với môn khác thì đó không còn là môn lịch sử nữa.

“Môn lịch sử trên thế giới đã được đình vị rõ ràng vị trí và vai trò của nó. Nó khác môn giáo dục công dân và quốc phòng ở chỗ nó đã được định vị với vị trí là môn cơ bản, cùng với Văn học, Triết học là trụ cột của cả nền khoa học xã hội.

Nó không thể so sánh với hai môn kia được. Bởi vậy không thể nói rằng tích hợp như vậy thì môn sử vẫn giữ lại được bản sắc”- GS Hưng nói.

Thầy Trần Hồng Quang, giáo viên bộ môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) cho rằng tích hợp cũng chỉ ở mức độ vừa phải và nhất định, không phải nội dung nào cũng có thể tích hợp.

“Bởi mỗi môn khoa học đều có cách tiếp cận, có phương pháp nghiên cứu khác nhau, có đặc trưng riêng biệt. Không thể sử dụng kiến thức, phương pháp của môn này áp vào môn kia một cách tùy tiện được. Đề án tích hợp mới của Bộ GD-ĐT phải giải quyết được chuyện này”, thầy Quang nêu ý kiến.

Cần thay đổi là cách soạn sách giáo khoa và dạy sử

Tuy phản đối đề án tích hợp, bạn đọc cũng chỉ ra rằng môn lịch sử “không thể bỏ nhưng thực tại hiện nay nó rất nhàm chán. Phương pháp dạy không hiệu quả, học sinh đương nhiên là cảm thấy không hề hứng thú”, một bạn đọc nói.

Các bạn đọc khẳng định học sinh thấy môn sử “nhàm chán” không phải là vì không yêu sử mà là do cách dạy sử “có vấn đề”. Những môn xã hội cần có cách tiếp cận khác cách học truyền thống “thì mới sâu sát với thực tế được”. Môn lịch sử đang “cần gấp một sự thay đổi”.

“Chúng ta đang dạy sử một cách rất vô cảm và khô khan. Phương pháp dạy sử của chúng ta chưa tốt. Tại sao chúng ta không lồng ghép những câu chuyện hay vào từng giai đoạn lịch sử để học sinh dễ nhớ hơn? Dạy sử phải giống như kể một câu chuyện hay, không cần học thuộc lòng học sinh vẫn nhớ hết” - bạn đọc đề xuất.

Đừng bắt học sinh nhớ quá nhiều ngày tháng cụ thể chi tiết mà chỉ cần nắm những dấu mốc quan trọng là được - đây là ý kiến của phần đông bạn đọc.

Nhiều bạn đọc so sánh việc học sử trên trường với việc xem phim tài liệu lịch sử: “Làm sao dạy sử phải thú vị như xem phim thì mới hấp dẫn, dễ nhớ và hiệu quả được”- một bạn đọc nêu.

Một số bạn đọc cảm thông trước đề xuất tích hợp bộ môn sử. Các bạn cho rằng đề xuất trên thể hiện quyết tâm thay đổi cách dạy và học sử của Bộ GD-ĐT.

“Bộ GD-ĐT đang cố gắng thay đổi để giúp thế hệ sau hiểu được lịch sử tốt hơn”, bạn đọc Phùng Hữu Đức nói.

Thầy Trần Hồng Quang cũng đồng ý rằng trong chương trình học rất nặng nề hiện nay, không giáo viên nào có thể đảm bảo được nội dung bài học đồng thời tạo được hứng khởi cho học sinh.

Nói về những thay đổi cần thiết để việc dạy và học bộ môn lịch sử được hiệu quả hơn, thầy Quang cho rằng trước tiên phải xác định lại nội dung chương trình, loại bỏ những phần không cần thiết và sắp xếp lại để các phần có sự liên kết với nhau hơn.

“Phải tạo được một môi trường tự do cho giáo viên. Đừng ép buộc họ phải theo một khuôn mẫu đã có sẵn. Ngoài ra còn phải tạo được sự bình đẳng thực sự giữa người học và người dạy để học sinh được phép tiếp cận kiến thức và thể hiện quan điểm của mình trong các bài học. Có như vậy mới tạo sự hứng thú được”, thầy Quang nêu ý kiến.

Phải làm một cuộc cách mạng trong giáo dục lịch sử 

Cái mà bây giờ cả xã hội cần phải bàn là xác định vị trí môn sử trong chương trình học. Từ đó mới có thể đề ra phướng án dạy cho hiệu quả. Cần có một cuộc hội thảo nghiêm túc, trao đổi công khai về vấn đề này bởi đây là trách nhiệm của toàn xã hội đối với các thế hệ đang lớn lên của đất nước. Các cấp quản lý cần có trách nhiệm cụ thể vói số phận của môn Lịch sử. Đó là một câu chuyện dài và đòi hỏi nhiều công sức”, GS.TS Vũ Quang Hiển nhận định.

GS.TS Vũ Quang Hiển

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục