03/01/2017 12:10 GMT+7

Bí quyết nào để vợ đón tết nhà chồng mà không phàn nàn?

ANH QUÂN
ANH QUÂN

TTO - Bao năm nay vợ tôi vẫn phải làm trọn trách nhiệm của người con dâu trưởng ở nhà chồng trong đêm giao thừa mà không một lời ta thán, phân bua hay so bì gì. Tại sao vậy?

Trên đây là chia sẻ của bạn đọc Anh Quân khi tham gia chuyên mục tâm sự Dâu con phải đón giao thừa nhà chồng, truyền thống hay hủ tục? Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết này:

"Mấy ngày nay xem diễn đàn giao thừa ở nhà ngoại hay nhà nội tôi thấy thật thú vị. Đây là câu chuyện không mới, nhưng đã thay lời muốn nói cho biết bao gia đình nhỏ. Tết nào cũng vậy, cũng chính vì chuyện này mà không ít cặp vợ chồng trẻ xảy ra cảnh bất hòa.

Theo dõi phần bình luận dưới bài viết, tôi thấy phần đông ý kiến đều chê bai người đàn ông gia trưởng khi buộc vợ đêm giao thừa và mùng 1 tết phải ở nhà chồng. Tuy nhiên, số đông không phải lúc nào cũng đúng, bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh!

Trường hợp của tôi là dẫn chứng. Bản thân tôi cũng là con trưởng trong gia đình, ngay từ khi hai đứa còn yêu nhau tôi đã nêu quan điểm của mình khá rạch ròi: nhất định giao thừa và mùng 1 tết phải ở nhà chồng, vợ tôi chấp nhận và việc thực hiện theo đúng nguyên tắc “hai bên đã cam kết” nên bao năm chẳng có điều tiếng gì.

Với tôi, xã hội bây giờ có nhiều điều tân tiến đổi khác hơn ngày xưa. Người ta cứ hô hào “nam nữ bình quyền” nhưng tôi vẫn xem lời nói của ông cha “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” là luôn luôn đúng. Con gái khi đã đi lấy chồng phải toàn tâm toàn ý với gia đình chồng. Điều gì có thể đổi thay nhưng đạo lý gia đình như thế vẫn phải được gìn giữ.

Có lẽ vì những suy nghĩ ấy, nhiều người nói tôi là người đàn ông gia trưởng. Điều đó không sai nhưng tôi thấy mình không cực đoan và quá bảo thủ. Tôi có thể làm tất cả các công việc nhà mà không hề phân biệt như một số người “việc bếp núc là của đàn bà, việc “quốc gia đại sự” là của đàn ông” như đi chợ, nấu ăn, thậm chí giặt giũ quần áo cho vợ (sau lưng mẹ tôi).

Dù thế, tôi tuyệt đối không bao giờ chịu thỏa hiệp chuyện để cho vợ tự do về ăn tết nhà ngoại. Được cái biết tính chồng, vợ tôi cũng ngoan ngoãn chấp nhận.

Có được điều này là do tôi đã nói chuyện thẳng thắn với vợ từ khi hai đứa còn yêu nhau. Bởi tôi nghĩ “mọi chuyện nên rạch ròi từ trước, nếu không chấp nhận cô ấy có thể suy nghĩ lại”.

Chúng tôi cùng nói chuyện về mọi việc, chẳng hạn, tôi quy ước: “Em là dâu trưởng nên ngày 30 và mùng 1 tết bắt buộc phải ở nhà chồng, từ ngày mùng 2 vợ chồng sẽ về ngoại ăn tết và em có thể ở lại chơi vài ngày”.

Thế rồi hằng năm vợ chồng tôi nghỉ tết là về thẳng nhà nội. Vợ tôi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ cúng kiếng, đồ ăn tết. Đêm giao thừa, chúc tết bố mẹ. Ngày mùng 1 ở lại nhà chồng tiếp khách. Và bao giờ cũng thế, bắt đầu từ ngày mùng 2 vợ xin phép về bên ngoại hai ngày mới về lại nhà.

Thú thật những năm đầu mới cưới, đêm giao thừa nhìn thấy vợ buồn, rầu rỉ vì thương ba mẹ bên nhà đón tết một mình (nhà vợ có hai chị em, cậu em chưa có gia đình đi làm ăn nơi xa). Dù động lòng nhưng tôi cũng không dám phá vỡ quy ước cho vợ về một năm ăn tết với cha mẹ. tôi sợ vợ sẽ quen và những năm sau đó vợ chồng lại khó xử.

Vài năm sau, vợ tôi cũng quen dần và an phận với bổn phận làm dâu của mình.

Viết câu chuyện ra đây cũng mong những chàng trai trẻ chuẩn bị cưới vợ hãy thực hiện tốt câu: “…dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, kẻo sau này nàng quen với nếp sống của mình rồi sẽ vô cùng khó sửa".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Câu chuyện đón tết ở nhà nội hay nhà ngoại tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi trên diễn đàn tâm sự của Tuổi Trẻ Online. Chuyên mục tâm sự của trang bạn đọc chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gửi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

ANH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên