21/12/2016 12:06 GMT+7

Trẻ con quá nhạy cảm, hay người lớn vô tình?

HUỲNH THẢO
HUỲNH THẢO

TTO - Nhiều người vô tình đã nói những câu làm tổn thương con trẻ. Câu chuyện bạn đọc Huỳnh Thảo góp nhặt được dưới đây sau một buổi đi đón con, khiến người lớn phải xem lại mình.

Chiều qua, trên đường đi đón con, tôi ghé vào tiệm tạp hóa để mua một cây kẹo dù. Không phải bỗng dưng tôi lại mua một cây kẹo vì tôi là người rất kỹ lưỡng trong việc kiểm soát thức ăn cho con, nhất là hạn chế đồ ngọt cho trẻ nhỏ. Đơn giản là lâu lâu tôi muốn thưởng cho con mình vì cháu rất ngoan, biết quan tâm đến người khác.

Trước đó, có một hôm cháu nhìn ra ngoài thấy trời mưa to rồi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con không thích trời mưa to”. Tôi hỏi, vì sao vậy con? Cháu trả lời rằng trời mưa to bạn Thảo không đi học được, cô giáo cũng không tới trường được. Mưa to ngập lụt hết mẹ ạ.

Tôi cũng hơi bất ngờ vì cháu biết xâu chuỗi các chi tiết, biết quan sát hiện tượng và quan tâm đến người khác. Kể như vậy để tôi cùng chia sẻ với mọi người rằng không phải trẻ con chẳng biết gì đâu. Trẻ con vẫn luôn quan tâm đến đời sống xung quanh chúng. Con gái tôi năm nay hơn 3 tuổi rưỡi.

Trở lại chuyện cái kẹo, ngày nhỏ tôi cũng rất vui khi lâu lâu mẹ cho tôi một cái kẹo. Nó như phần thưởng vậy. Tôi cũng muốn tạo cảm giác bất ngờ và thích thú ấy cho con tôi. Tôi muốn tạo cho cháu những kỷ niệm nhỏ trong tuổi thơ vậy thôi. Và cháu cũng biết rằng sau khi ăn kẹo phải uống nước, súc miệng sạch sẽ để không sâu răng.

Đến trường, đón con ra chơi ngoài sân, con rất ngạc nhiên và háo hức vì được mẹ cho loại kẹo yêu thích. Con bóc ra rồi cầm ăn ngon lành. Một bạn học cùng lớp với con thấy bạn ăn kẹo chạy đến nói với ba gần đó, ba ơi, bạn có kẹo kìa. Không một phút chần chừ, người đàn ông ấy nói với con trai của mình: “Ăn kẹo sâu răng. Bạn hư”.

Còn cô con gái nhỏ của tôi khi nghe những lời ấy, một lần nữa cháu lại vô cùng ngạc nhiên, thắc mắc chẳng hiểu vì sao mình bị gắn cho từ “hư” dù con rất ngoan. Khuôn mặt con thoáng có chút buồn.

Sau giây lát, con quay đi, chạy đến mẹ. Tôi vẫn ngồi yên, lặng lẽ quan sát con gái. Còn trong lòng tôi, lúc ấy vô cùng hỗn độn và cảm giác “sốc” trước cách phản ứng của người cha kia.

Có lẽ, người cha đó muốn phản đối việc con mình xin kẹo. Nhưng thay vì những câu từ nặng lời dành cho người khác, chỉ cần một chút khéo léo, ông đã không làm tổn thương một đứa nhỏ khác...

Tôi cũng đã từng rất hoảng hồn khi chứng kiến một người mẹ giật lấy gói bim bim trên tay con trai để cất vào cặp. Đó là gói bim bim của một bạn gái khác đưa cho con trai của chị vì cháu gái có đến hai gói. Khi thấy người mẹ của cháu gái bước vào, chị vội vàng giằng lấy cho vào cặp như sợ rằng sẽ bị đòi lại...

Giá như lúc ấy, chị bảo con trai của mình hãy cảm ơn bạn vì bạn đã chia sẻ với mình thì tốt biết chừng nào. Một gói bim bim không đáng giá gì nhiều, nhưng nhìn vào cách ứng xử của mẹ, cậu con trai học được những gì?

Bởi tôi đã từng chứng kiến nhiều lúc cậu con trai ấy đến lớp khóc lóc, quẫy đạp đến nỗi cô giáo không ôm nổi. Hỏi chuyện thì tôi mới hay nguyên do cậu đòi mẹ mua bánh ướt ăn sáng nhưng mẹ không cho.

Có thể nhiều người vô tình hay do tôi là mẫu người quá để ý khi quan sát mọi việc chuyển động xung quanh mình. Nhưng, nhiều lúc tôi cứ ao ước: giá như người lớn phát ngôn, hành động để đừng làm tổn thương trẻ nhỏ. Bởi những tâm hồn non nớt như tờ giấy trắng ấy rất nhạy cảm với cuộc sống.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nhằm góp thêm nhiều góc nhìn trong cách nuôi dạy, giáo dục nhân cách trẻ nhỏ, chuyên mục Bạn đọc tâm sự chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

HUỲNH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên