09/03/2017 03:05 GMT+7

Xử lý nghiêm để chấn chỉnh thói rẽ ẩu

NGUYỄN HỮU LONG, (Q.3 TP.HCM)
NGUYỄN HỮU LONG, (Q.3 TP.HCM)

TTO -  Ý kiến “Đèn đỏ, có nên cho rẽ phải?” (Tuổi Trẻ ngày 8-3) đã thu hút nhiều bàn luận của bạn đọc, trong đó nhiều người cho rằng cần xử phạt nghiêm để tạo lập thói quen rẽ phải đúng quy định.

Dù có thêm bảng cấm các phương tiện giao thông rẽ phải khi đèn đỏ nhưng nhiều người đi xe máy từ đường Phạm Văn Hai vẫn rẽ vào đường Trường Sa (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Tự Trung
Dù có thêm bảng cấm các phương tiện giao thông rẽ phải khi đèn đỏ nhưng nhiều người đi xe máy từ đường Phạm Văn Hai vẫn rẽ vào đường Trường Sa (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Tự Trung

Tôi đồng tình với đề xuất trong bài “Đèn đỏ, có nên cho rẽ phải?” rằng nên tổ chức lại đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp, đảm bảo an toàn hơn cho người đi bộ qua đường.

Tuy nhiên, theo tôi, chuyện vượt và rẽ phải sai luật khi có đèn đỏ cần được xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh thói quen xấu này của nhiều người.

Dừng đúng luật lại bị... chửi

Nếu để ý sẽ thấy rằng rẽ phải không đúng quy định tại nơi có đèn đỏ chủ yếu diễn ra ở người đi xe máy, bản thân tôi hiếm khi thấy ôtô vi phạm lỗi này. Không phải giờ cao điểm, đường đông mà cả khi đường vắng vẫn có người rẽ phải bất chấp đèn đỏ.

Những ai rẽ phải sai quy định? Đủ thành phần, có thể là một thanh niên tóc nhuộm xanh nhuộm vàng, có người chạy xe ôm, có cả nam thanh nữ tú ăn mặc bảnh bao, có cả bậc cha mẹ chở theo con nhỏ...

Và nếu thường xuyên dừng ở hàng đầu tiên ngay trước vạch sơn khi đèn đỏ, bạn sẽ thấy phải chịu áp lực thế nào khi những người phía sau cứ liên tục bấm còi ý bảo bạn phải tránh ra để họ vượt lên và rẽ phải. Nếu tránh đường thì đồng nghĩa với việc bạn phải tiến lên khỏi vạch sơn. Nhường đường trong tình huống này đồng nghĩa là thực hiện hành vi vi phạm Luật giao thông.

Thường thì tôi không nhượng bộ trước những đòi hỏi vô lý như vậy và cũng không ít lần bị mắng xối xả bởi những người đi phía sau.

Một lần trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) khi tôi đang dừng chờ đèn đỏ thì nghe tiếng còi xe giục phía sau. Nhìn qua kính chiếu hậu thấy có hai thanh niên đang chồm lên định rẽ phải vào đường Phạm Ngọc Thạch. Tôi cho xe đứng im vờ như không nghe thấy. Người thanh niên cầm lái tỏ ra thiếu kiên nhẫn vội lên tiếng: “Anh cho qua tí”.

Tôi quay lại phản đối: “Anh chịu khó chờ đi, tôi không thể tiến lên được!”. Anh ta chịu thua nhưng vẻ mặt rất hậm hực. Lúc đèn bật xanh tôi cho xe lăn bánh, anh ta cho xe vượt lên đến giữa ngã tư chửi mấy tiếng thô tục rồi mới rẽ phải vào đường Phạm Ngọc Thạch.

Hôm đọc báo thấy có người bị đâm chết vì trước đó không nhường đường cho người khác, nhớ lại chuyện mình mà lạnh sống lưng.

Tạo thói quen rẽ đúng luật

Nhiều người cho rằng nên cho phép rẽ phải ở nơi đèn đỏ với lý do để giảm lượng xe đứng chờ, giảm ùn tắc giao thông. Lý giải như thế, theo tôi là phiến diện.

Phần lớn đường phố ở TP.HCM chỉ có một làn đường sát lề là dành riêng cho xe máy và thường mặt cắt chỉ 2-3m, phía ngoài là làn ôtô. Nếu cho phép xe máy rẽ phải ở nơi đèn đỏ thì những xe khác đi thẳng phải nhường lối và không đủ chỗ để đứng chờ, buộc phải lấn ra làn ôtô, vừa sai luật, vừa nguy hiểm và càng dễ ùn tắc hơn.

Chưa kể, dòng xe máy rẽ phải khi đèn đỏ thì sẽ xung đột, tranh chấp mặt đường làm hạn chế lưu thông của dòng xe đang đi thẳng theo đèn xanh trên làn đường vuông góc. Vì thế, nếu giảm được xe trên đường này thì lại làm ùn luồng xe trên đường kia.

Vì vậy, theo tôi, để lập lại trật tự giao thông ở các giao lộ đèn đỏ cũng như tạo thói quen rẽ phải đúng luật của người đi đường thì ngoài chuyện tuyên truyền, vận động như lâu nay vẫn làm, cảnh sát giao thông cần tăng cường xử phạt và phải phạt thật nghiêm.

Tôi tin nếu cảnh sát giao thông xử phạt liên tục trong một tháng thì tình hình ở giao lộ đó sẽ được cải thiện. Sau đó, thay hình thức phạt trực tiếp bằng cách lắp camera để ghi hình phạt nguội. Cần nhất là làm quyết liệt để người đi xe máy khi đến giao lộ đó không còn dám vượt ẩu, rẽ ẩu nữa mà sẽ tự dặn lòng “vội gì mà không đợi thêm vài giây!”.

Tăng cường xử phạt “nguội”

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung (đội phó đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) cho biết tại đèn đỏ không cho phép rẽ phải nhưng người điều khiển phương tiện rẽ phải thì thuộc lỗi vi phạm không chấp hành đèn tín hiệu giao thông. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông thường xử phạt các lỗi vi phạm đèn tín hiệu giao thông theo chuyên đề và hiện nay đang tăng cường xử phạt “nguội” qua camera.

S.BÌNH

Tranh luận về rẽ phải

Đã có sự tranh luận trong gần 70 ý kiến phản hồi của bạn đọc về việc có nên cho rẽ phải khi đèn đỏ.

Cứ đèn đỏ là tất cả xe đều dừng, đèn xanh thì đi. Đừng biện minh là cho rẽ phải khi đèn đỏ để tránh ùn ứ. Có ùn ứ mà cứ tuần tự đi đúng luật thì làm sao mà kẹt xe được, còn đi theo thói quen chen ngang chen dọc, lấn vượt... thì cho 10 lần ưu tiên cũng kẹt là kẹt. Vĩnh An SG

Ở TP.HCM, tôi thấy nên cho phép xe hai bánh rẽ phải khi đèn đỏ, vì việc này đã thành thói quen của người tham gia giao thông lâu nay rồi. Còn nếu không cho thì phải tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm lỗi này để nâng cao ý thức. Tôi luôn dừng đèn đỏ theo quy định, nhưng lại trở thành người cản trở những người phía sau muốn rẽ phải, họ bóp còi inh ỏi, đôi khi chửi rủa nữa. Sợ lắm! Văn Nhất

(vannhatvina@...)

Lối dành riêng cho người đi bộ luôn là ưu tiên 1. Khi đèn xanh lối đi bộ bật lên, tất cả các xe phải nhường đường cho người đi bộ. Cho dù đèn xanh cho phép anh rẽ phải hay đi thẳng, nhưng anh vẫn phải nhường đường. Chỉ cần cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm các phương tiện giao thông không nhường đường cho người đi bộ là trật tự giao thông sẽ được thiết lập.

Lê Quang Toại (quangtoai64@...)

Với thói quen chạy xe của nhiều người hiện nay thì liệu những người rẽ phải khi đèn đỏ có chấp nhận nhường cho người đi bộ trên vạch ưu tiên không? Thực tế chỉ có người đi bộ là phải nhìn trước ngó sau để phải dừng lại kịp lúc cho xe máy chạy qua. Thậm chí khi dừng đèn đỏ, nhiều xe còn chiếm cả vạch ưu tiên dành cho người đi bộ. Cấm rẽ phải là tốt nhất.

Vy (bohemian.vyvy@...)

NGUYỄN HỮU LONG, (Q.3 TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên