21/01/2017 11:50 GMT+7

Nhớ buổi đầu dựng nước làm ngày Tết dân tộc, có gì sai?

PHẠM MẠNH HÀ
PHẠM MẠNH HÀ

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết gộp Tết ta vào ngày giỗ tổ Hùng Vương của tác giả Phạm Mạnh Hà, đã có hàng ngàn ý kiến bình luận, và đa số đều phản đối và cho rằng làm như vậy sẽ mất gốc.

Hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh tư liệu TTO

Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ Online đăng tiếp phần phản hồi của tác giả:

"Sau khi đưa ra ý kiến Gộp Tết ta với giỗ tổ Hùng Vương. Tại sao không?, nhiều người thắc mắc, cho rằng không thỏa đáng. Ở bài viết này, tôi xin bổ sung đầy đủ hơn những cơ sở cho đề xuất gộp ngày tết Nguyên đán vào ngày giỗ tổ 10-3 âm lịch ấy.

Theo các tài liệu lịch sử của 2 nước thì:

Ở Việt Nam vào đời Hùng Vương thứ 6 vua Hùng đã tổ chức cuộc thi cho các con dâng lễ vật thờ cúng tổ tiên, qua đó sẽ chọn ra hoàng tử nào có lễ vật ưng ý vua nhất để truyền ngôi. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng vua mâm lễ bánh chưng bánh dày, tượng trưng cho trời đất, ý nghĩa làm hài lòng vua Hùng và được truyền ngôi. Từ đó dân ta bắt đầu có mâm cúng bánh chưng bánh dày để thờ cúng tổ tiên.

Theo tư liệu lịch sử về đền thờ vua Hùng, trên tấm bia Hùng miếu điểu lệ do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định 8 (1923) và trên  tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại 15 (1940), đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, thì dân địa phương có tục lệ lấy ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ kỳ làm lễ tổ tiên tại Hùng Vương Tổ miếu, còn dân cả nước thì thường đến lễ vào mùa thu.

Mãi đến ngày 25 tháng 7 năm 1917 năm vua Khải Định thứ nhất triều Nguyễn, chính thức định lệ ngày quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Còn ở Trung Quốc, thời Tam Hoàng Ngũ Đế, vào đời vua Thuấn ngày đầu năm âm lịch (1-1) vua dẫn dắt các các thuộc hạ đi cúng trời đất, từ đó dân Trung Quốc theo ngày này tổ chức làm ngày tết Nguyên Đán (mở đầu một năm mới).

Sau đó đời nhà Hạ lấy ngày tết vào tháng giêng, nhưng đến đời nhà Thương lấy tết vào tháng chạp, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước đã lấy tết vào tháng 10. Sang đời Hán Vũ Đế ra lệnh lấy mồng một tháng giêng là ngày tết Nguyên Đán ổn định đến ngày nay.

Như vậy là từ những cơ sở trên đã khẳng định được là:

Ở thời Hùng Vương thứ 6 dân ta đã có tập tục cúng tổ tiên bằng lễ vật bánh chưng bánh dày, còn truyền lại đến ngày nay. Nhưng ở thời Hùng Vương thì dân ta cúng tổ tiên vào trong khoảng 11 tháng 3 âm lịch. Đến đời vua Thục Phán An Dương Vương kế tục các vua Hùng thì để mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà, một bộ tướng của vua Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc.

Sau khi nhà Tần sụp đổ, nhà Hán lên thay đã chọn ngày 1-1 âm lịch làm ngày tết Nguyên đán của Trung Quốc. Lúc này Việt Nam vẫn đang trong thời kì 1.000 năm Bắc thuộc, các đời quan Trung Quốc sang cai trị nước ta đã ấn định dân ta ăn tết theo ngày 1-1 âm lịch của Trung Quốc, mục đích tất nhiên là nhằm đồng hóa văn hóa Việt Nam vào văn hóa Trung Quốc.

Công cuộc đồng hóa văn hóa của các triều đại Trung Quốc đô hộ Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc này là điều ai cũng biết. Và một bằng chứng nữa là về hình thức tổ chức ngày tết 1-1, đêm giao thừa và ngày 23 tháng chạp đón ông Táo của Việt Nam cũng sao y gần giống hệt, đến 99% của Trung Quốc.

Cho nên, tết 1-1 âm lịch thực chất là tết cổ truyền của Trung Quốc, nghĩa là của tổ tiên người Trung Quốc là vua Thuấn lập ra truyền lại cho đời sau. Tổ tiên người Việt Nam ta là vua Hùng thì các tài liệu lịch sử chỉ thấy nói đến vua Hùng tổ chức chọn người kế nghiệp là Lang Liêu qua lễ vật dâng bánh chưng bánh dày, lễ này còn đến tận ngày nay lại là diễn ra trong khoảng 10-3 âm lịch, chứ không có tài liệu lịch sử nào nói vua Hùng đã tổ chức tết vào ngày 1-1 âm lịch.

Như vậy là tết ngày 1-1 âm lịch dân ta vẫn tổ chức lâu nay thực chất không phải là cổ truyền của dân tộc Việt Nam như nhiều người Việt Nam hiện nay ngộ nhận, mà chúng ta đang "mượn' ngày tết của Trung Quốc.

Rất may là về sau người Việt Nam cũng đã sáng tạo ra chữ Nôm và giữ được tiếng nói Việt, thoát khỏi âm mưu đồng hóa văn hóa của các triều đại Trung Quốc.

Ở bài viết trước tôi cũng đã nêu lên những nhược điểm của tết 1-1 âm lịch so với ưu điểm ngày 10-3 âm lịch chọn làm tết, bài này xin không nói lại nữa.

Và xin chú ý là, ngày tết 1-1 âm lịch lâu nay chẳng có ai trong chúng ta lại không làm lễ cúng tổ tiên, vậy thì tại sao lại không chọn ngày 10-3 âm lịch giỗ tổ tiên Hùng Vương của ta làm ngày tết để cúng tổ tiên được, mà nhiều người lại không thỏa đáng?

Và thực ra, ngày 10-3 cũng đâu phải chính xác là ngày giỗ vị vua Hùng nào, mà chỉ là khoảng thời gian dân địa phương dâng lễ bánh chưng bánh dày cúng tổ tiên ta là các đời vua Hùng có công dựng nước.

Cho nên, trong khoảng thời gian đầu tháng 3 giỗ tổ ấy chọn lấy 3 ngày tết không phải là không hợp lý, vẫn vui chơi tết được như thường. Ngày nhớ đến buổi đầu dựng nước xứng đáng là ngày tết của dân tộc lắm chứ.

Và thực tế, có nhiều nước khác đón Tết không phải là ngày đầu tiên của năm mới theo Dương lịch hay Âm lịch phổ biến trên. 

Đó là: Afghanistan và các nước lân cận trong khu vực đến tận tháng 3 này mới đón năm mới Nowruz truyền thống. Tết của người Do Thái là lễ Rosh Hashanah kéo dài một ngày rưỡi trong tháng Tishri (tháng 9, tháng 10 theo Dương lịch) và để tưởng nhớ Đấng Tạo hóa. Lào đón Tết Bunpimay trong ba ngày, 13, 14 và 15-4 hàng năm. Phần lớn các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập coi ngày 15-10 là ngày mở đầu lễ Tết Ead al-Fitr.

Và cũng lưu ý là âm lịch (lịch mặt trăng) hiện nay không còn dùng để đi làm việc như thời phong kiến nữa. Làm nông nghiệp ngày nay thì đã có vệ tinh dự báo thời tiết cho nhiều ngày, thậm chí dự báo được cả mùa, cả năm, nên trên thực tế thì người dân trông theo dự báo thời tiết mà làm mùa vụ sớm hay muộn để tránh thời tiết bất lợi, chứ không còn theo đúng lịch âm như thời cổ nữa, vì thời tiết thực tế sai khác nhiều so với dự tính trên lịch âm.

Cho nên vai trò lịch âm hiện nay đã bị thay thế bằng lịch dương, và vệ tinh dự báo thời tiết ngày càng hiện đại chính xác hơn nhiều, nên lập luận đón tết theo lịch âm vì vai trò của nó là không còn đúng nữa.

Cũng lưu ý rằng người Nhật đã chọn bỏ tết 1-1 âm lịch của Trung Quốc mà chọn ngày tết 1-1 dương lịch của phương Tây là để giảm bớt ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, một phần từ đó đã giúp họ đột biến trở thành 1 cường quốc.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta hôm nay có mạnh dạn "lột xác" như họ để mang 1 tầm vóc mới? Hãy quay về với đúng cội nguồn tổ tiên của chúng ta, là các vua Hùng dựng nước với lễ dâng tổ tiên bánh chưng bánh dày, chỉ có ở Việt Nam ta.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, đề xuất "gộp" Tết ta với giỗ Tổ vua Hùng liệu có khả thi? Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục Cùng làm báo chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

PHẠM MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên