29/09/2012 02:45 GMT+7

Thứ bảy, chủ nhật không có bác sĩ khám bệnh?

L.TH.H. ghi
L.TH.H. ghi

TT - * Sáng 24-8, cha tôi là Trần Văn Trọng (51 tuổi, TP.HCM) đột ngột bị tai biến liệt nửa người nhưng ông vẫn tỉnh táo bảo người nhà đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu vì ông rất tin tưởng bệnh viện này. Khi vào cấp cứu, bác sĩ của bệnh viện cho chụp X-quang, CT scanner, xét nghiệm rồi chuyển lên trại điều trị. Tuy nhiên, ngày thứ bảy và chủ nhật (25 và 26-8) không có bác sĩ nào đến khám bệnh, theo dõi diễn biến bệnh cho cha tôi trong khi ông có biểu hiện lơ mơ bất thường. Gia đình tôi có báo cho nhân viên trực nhưng cha tôi chỉ được cho uống hai viên thuốc/ngày và nằm chờ...

Đến sáng thứ hai (27-8), mới có bác sĩ H. khoa mạch máu não đến khám cho cha tôi và bảo tình trạng của ông nặng lắm. Bác sĩ nói cục máu đông ở mạch máu não lúc đầu bằng đầu ngón tay nhưng bây giờ đã lớn gần bằng trái cam. Khi gia đình thắc mắc lúc vào viện ông còn tỉnh táo, bây giờ lại hôn mê, không biết gì thì bác sĩ H. nói là hôm nay mới là ngày làm việc của ông, còn trước đó là bác sĩ khác. Do tình trạng cha tôi quá nặng nên phải chuyển điều trị tại phòng săn sóc đặc biệt... Gia đình tôi rất bức xúc và đề nghị bệnh viện giải thích thỏa đáng về tình trạng bệnh của cha tôi cũng như vì sao không có bác sĩ khám cho bệnh nhân vào ngày nghỉ cuối tuần.

Trần Phi Vũ

- TS.BS Nguyễn Đình Phú (phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115) trả lời:

Bệnh nhân Trần Văn Trọng nhập viện lúc 8g30 ngày 24-8 đã được bác sĩ cho làm đầy đủ các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng và được chẩn đoán là xuất huyết não sâu, giai đoạn cấp tính (ngày thứ nhất), tiền sử cao huyết áp. Do tình trạng bệnh nhân chỉ xuất huyết não kích thước nhỏ, sâu và tri giác tỉnh táo, tự ăn uống được, yếu nửa người bên phải nên có chỉ định điều trị nội khoa và theo dõi.

Tối 24-8, người nhà bệnh nhân có gặp bác sĩ trực để hỏi tình trạng bệnh chứ không báo bệnh nhân có diễn tiến bất thường. Trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, bác sĩ và điều dưỡng vẫn đi tua các phòng bệnh nhưng không thấy bệnh nhân báo bất thường, huyết áp vẫn ổn định. Sáng 27-8, bác sĩ khám cho bệnh nhân Trọng và ông vẫn tỉnh táo, tuy tri giác có chậm hơn, huyết áp tăng nhẹ. Bệnh nhân được cho chụp CT scanner não kiểm tra lại với kết quả: ổ xuất huyết não lớn hơn so với ban đầu và có hiện tượng phù não quanh ổ xuất huyết nên bệnh nhân được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để được theo dõi sát hơn.

Bệnh viện chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đóng góp của gia đình bệnh nhân và luôn sẵn sàng tư vấn, giải thích rõ cho bệnh nhân hoặc thân nhân nếu bà con muốn biết rõ hơn về tình trạng bệnh.

L.TH.H. ghi

Bác sĩ mổ chậm, bé sơ sinh tử vong do ngạt?

* Cháu tôi là Nguyễn Thị Thảo Thiên Thanh (23 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên đến khám thai định kỳ tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM. Kết quả khám, siêu âm hằng tháng tại bệnh viện kết luận thai khỏe mạnh, không dị tật bẩm sinh.

20g ngày 9-8, cháu tôi đau bụng và nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương. Do lần đầu đã sinh mổ nên cháu tôi xin được sinh mổ nhưng không được bác sĩ cho mổ liền và cũng không có bác sĩ nào khám cho cháu tôi. Sáng 10-8, bác sĩ mới khám cho cháu tôi và cũng không cho mổ. Đến khi cháu tôi đau đớn, rạn nứt bụng ở vết mổ cũ mới được bác sĩ cho đi mổ vào lúc 10g30 - sau 13 giờ kể từ khi cháu tôi đau bụng. Một giờ sau, có y tá bồng bé tới nói bé phải nằm lồng kính mà không nói nguyên nhân, tình trạng bé lúc đó. Đến 14g30, bệnh viện báo là bé bị bệnh tim, đang trong tình trạng nguy kịch, cần phải chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Khoảng 18g ngày 10-8 bé tử vong.

Sau khi con của cháu tôi mất, Bệnh viện Hùng Vương không một lời giải thích hoặc nói nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé cho gia đình. Tôi nghĩ do bác sĩ mổ chậm cho cháu tôi dẫn đến em bé mới sinh bị ngạt thở mà chết.

Nguyễn Thị Kim Loan

- Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Nga (phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) trả lời:

Chị Nguyễn Thị Thảo Thiên Thanh mổ sinh lúc 10g25 ngày 10-8 được một bé trai nặng 3,2kg. Một giờ sau sinh bé thở nhanh, tím toàn thân, được chăm sóc tích cực tại khoa sơ sinh. Sau đó bé được chuyển hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và được chẩn đoán bị chuyển vị đại động mạch, cho nhập vào khoa cấp cứu hồi sức tích cực theo dõi, điều trị. Tại đây, bác sĩ của cả hai bệnh viện đã giải thích về tình trạng nguy kịch của bé cho gia đình biết. Sau đó, bé tử vong cùng ngày.

Sau khi nhận đơn phản ảnh của gia đình thông qua báo Tuổi Trẻ, ngày 29-8 bệnh viện đã gặp vợ chồng chị Thanh để giải thích rõ hơn nguyên nhân tử vong của cháu bé. Cụ thể, bé sơ sinh bị bệnh chuyển vị đại động mạch là một bệnh tim bẩm sinh nặng do bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai. Vì thế, động mạch phổi thay vì cắm vào thất phải thì lại cắm vào thất trái. Còn động mạch chủ thay vì cắm vào thất trái lại cắm vào thất phải... Do vậy, ngay sau sinh bé sống bằng hệ tuần hoàn thiếu oxy nên có biểu hiện thở nhanh, tím tái. Do các vách tim ngăn cách tim phải và tim trái đã được đóng kín, thai nhi sống bằng hệ tuần hoàn thiếu oxy nghiêm trọng nên nhanh chóng tử vong trong bệnh cảnh ngạt. Bệnh viện xin nói thêm, chuyển vị đại động mạch là bệnh khó phát hiện, cơ hội có thể chẩn đoán được là siêu âm hình thái lúc thai được 20-22 tuần tuổi. Tuy nhiên, siêu âm thai cũng chỉ phát hiện được 63% các trường hợp có dị tật tim.

L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên