14/08/2017 09:43 GMT+7

Chuyện cứu người của ông Sáu Léo

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Đến người con trai ông Sáu Léo nữa là đúng ba đời nhà ông cứu người đuối nước trên dòng sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ông Sáu Léo lạ cái là cứu người nhưng chẳng bao giờ đòi công, có cho tiền cũng không lấy.

Ông Sáu Léo trên chiếc ghe nhỏ dùng để cứu người của gia đình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Có lẽ vì cái tính nghĩa hiệp vậy mà người được cứu đến “bái” ông làm cha nuôi, người thì đến “kết nghĩa” huynh đệ…

Thấy người chết mà không cứu sao được!

Khác với cảnh ồn ào trên cầu, phía dưới cầu Cẩm Lệ như một làng quê thu nhỏ. Ông Sáu Léo với bạn là ông P.P.H. đang cùng nhau chẻ củi, nấu nướng để chuẩn bị bữa cơm dành cho những người bạn già.

“Cứ thứ bảy là tôi lại xuống gầm cầu ngồi chuyện trò chơi với chú Sáu cả ngày. Cơm nước xong, đứa nằm võng, đứa nằm trên cái giường tre đánh một giấc cho đã đời. Không chỉ là bạn bè, tui phải gọi chú ấy là ân nhân, người sinh ra thằng con tôi lần thứ hai” - ông H. chia sẻ.

Ngước mắt về phía giữa sông, giọng ông H. trầm xuống: “Ba năm trước, thằng út nhà tôi buồn chuyện gia đình nó ra giữa cầu rồi gieo mình xuống sông. Lúc đó gần 9 giờ đêm...".

Ông Sáu Léo chia sẻ thêm tối đó, hai vợ chồng ông đang ngồi xem tivi, nghe tiếng ùm ngoài sông ông đoán có người nhảy cầu nên vội lao ra chiếc ghe nhỏ. Đèn cao áp từ trên cầu rọi xuống vàng vọt, ông thấy bóng người chới với giữa dòng. Ông Sáu khéo léo tiếp cận rồi đưa người thanh niên vào bờ an toàn…

Ông H. chia sẻ ông sinh được năm người con, đến đứa thứ năm là con trai. “Nếu không có chú Sáu cứu, giờ con tôi đã không còn trên cõi đời này nữa” - ông H. tâm sự.

Hôm sau ông H. xuống gầm cầu để cảm ơn và “hậu tạ” nhưng chú Sáu Léo một mực từ chối. Từ đó, cứ cuối tuần ông H. lại xuống gầm cầu chia sẻ buồn vui với chú Sáu như anh em trong nhà. 

Ông Sáu Léo cười nói: “Tui đẻ ba đứa con, mà giờ lên bốn. Chú có biết vì răng không…”.

Rít hơi thuốc, ông kể: Khuya của hai năm trước. Ông Sáu đang ngủ trên thuyền thì nghe tiếng người gọi điện thoại trên cầu trăng trối gì đó. Dứt lời, người này nhảy ùm xuống sông Cẩm Lệ. Ông Sáu lao ra chiếc ghe nhỏ rồi chèo gấp về phía giữa dòng. Người đàn ông uống nước òng ọc được ông Sáu túm tóc kéo rê vào bờ.

Đó là anh V.C.Q., 35 tuổi, trú Hải Châu. Anh Q. sau lần nhảy sông được cứu sống giờ đã thành tài xế xe tải. Những ngày rảnh rỗi hay dịp lễ tết anh lại đến gầm cầu thăm nom “cha nuôi”. Nói về hành động cứu người của mình, ông Sáu chỉ ngắn gọn: “Có ai thấy chết mà không cứu mô chú”.

Ba đời cứu người đuối nước

Ông Sáu Léo tên thật là Ngô Văn Léo, năm nay 56 tuổi. Hồi chưa giải phóng, ông đã theo cha chèo đò đưa người qua lại trên dòng sông Cẩm Lệ. Có điều kiện hơn thì sắm được chiếc ghe máy. Cũng ở quãng sông này, cha con ông Sáu đã nhiều lần cứu người đuối nước. Nhưng lần bốn mẹ con nhảy sông tự vẫn mấy chục năm trước khiến ông vẫn còn ám ảnh tới giờ.

Ngồi trên võng kẽo kẹt, ông Sáu nhớ lại. Đó là một ngày của năm cùng tháng tận, Sáu Léo cùng cha đang lo dọn dẹp nhà cửa. Bỗng có tiếng la: Cứu người, cứu người. Hai cha con Sáu Léo lao ùm xuống sống nhưng chỉ kịp cứu được người mẹ và đứa con trai. “Nhìn thấy cảnh mấy đứa nhỏ tội nghiệp đó mà ứa nước mắt” - ông Sáu buồn nói.

Sau khi cha mất, ông Sáu lại cùng con trai là Ngô Văn Phương ngược xuôi trên dòng sông Cẩm Lệ để mưu sinh. Thuở trước, cả gia đình ông dựa vào chiếc ghe chở khách qua sông để kiếm từng đồng bạc. Rồi cây cầu Cẩm Lệ bắc qua sông, cảnh “đò ơi” cũng vào dĩ vãng. Ông đầu tư thuyền để chở cát trên sông.

Công việc sông nước và cái nghiệp cứu người cứ vận vào cha con ông. Có lần ba cậu thiếu niên đi câu gặp trời mưa to, nước cống lớn tống cả ra sông Cẩm Lệ. Ông Sáu nghe tiếng kêu thất thanh liền lao xuống nước túm tóc được hai đứa kéo vô sát bờ. Đến đứa thứ ba ông Sáu thấm mệt nên trôi theo.

Ông cố hết sức kêu anh Phương. Vốn con nhà sông nước nên ít phút sau anh Phương đã đưa cậu thiếu niên đuối nước vào bờ. “Sau bữa cứu ba cậu đi câu đó, tôi rã rời tay chân, nằm mê mệt mất haii ngày mới khỏe lại” - ông Sáu tâm sự. Ông Sáu tiếp lời: “Cứu người đuối nước cũng có cái “bài”, có nghề của nó. Không là mình cũng uống nước no à”.

Cuộc mưu sinh trên thuyền của ông Sáu cũng phập phù như con nước. Công việc bấp bênh, ông Sáu vay mượn tiền để cải hoán thành thuyền du lịch. Đùng cái hôm xảy ra vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn, chính quyền cấm bặt chuyện tàu thuyền cải hoán chở khách du lịch.

“Hai cái thuyền tôi sắm sửa giờ neo đậu chỗ ni. Thưa thoảng có người đến thuê để thả hoa đăng, phóng sinh… họ cho đồng nào thì cho, không thì thôi” - ông Sáu chia sẻ.

Nhiều lần cứu người

Ông Lê Công Đông - chủ tịch UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ - cho biết ông Ngô Văn Léo đã nhiều lần ra tay nghĩa hiệp cứu người. Không chỉ cứu người, mà khi có người bị chết đuối, trôi sống ông Léo cũng tham gia tìm kiếm, đưa về cho gia đình.

“Mới đây, sau khi ông Léo cứu trường hợp cô gái nhảy cầu Cẩm Lệ, công an phường đã làm đề xuất với UBND phường trao tặng giấy khen ông về hành động cứu giúp người bị nạn” -ông Đông cho biết.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên