06/05/2017 17:39 GMT+7

Cần loại ngay tư duy đổi môi trường lấy dự án

TRÚC NGUYỄN
TRÚC NGUYỄN

TTO - Ngồi lật lại từng trang viết các dự án dính "tai tiếng" với môi trường trên các trang báo, người viết không thể nén lòng với tần suất khá dày các dự án loại này trải dài trên thân thể của đất nước từ Nam ra Bắc.

Hình ảnh khu vực phía tây bán đảo Sơn Trà kế bãi biển Tiên Sa bị tàn phá. Ảnh phải chụp màn hình từ Google Map ngày 1-5. Ảnh trái chụp màn hình từ Google Map trước đó.

Trước đó, dư luận vừa thở phào khi Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận, tức thì lâm vào mối lo mới: Phú Yên đốn hơn 100ha rừng phòng hộ làm dự án sân golf đón thi hoa hậu, rồi đến diện tích bán đảo Sơn Trà giảm 41%"... 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lãnh đạo ở nhiều địa phương thay vì phải nhìn xa trông rộng cũng cố tài bồi phên giậu quốc gia thì lại dễ dàng hi sinh tài nguyên môi trường để đổi lấy những dự án theo kiểu "ăn xổi ở thì" như vậy? Chạy theo thành tích tăng trưởng, nhận thức môi trường yếu kém hay là có vấn đề tư túi, lợi ích nhóm? 

Mời bạn xem clip Phá rừng phòng hộ làm dự án ở Phú Yên - phòng truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Trước đó không lâu, ngày 2-11-2016 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội: "Môi trường của ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa". Bộ Công an cho biết trong năm 2016 đã xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. 

Một điểm giống nhau là hầu như các dự án dính tai tiếng với môi trường trong quá trình triển khai khi báo chí dư luận phanh phui đều bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, thiếu các thủ tục pháp lý cần thiết!

Phải chăng có hiện tượng lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chủ quản sở tại bật đèn xanh cho những "nhà đầu tư coi tiền là trên hết" làm dự án theo kiểu tiền trảm hậu tấu đặt Nhà nước và dư luận vào thế đã rồi? 

Điều khá mỉa mai là Phú Yên là một trong những tỉnh nghèo của nước ta đang sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản để thực hiện dự án "Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ" có thời hạn triển khai từ năm 2012 - 2021, nay lại đi phá rừng phòng hộ!

Là một quốc gia đang phát triển, hơn 70% dân số lao động làm nông nghiệp nhưng các chỉ số về chất lượng môi trường của Việt Nam hiện ở mức khá thấp: Việt Nam là một trong 11 quốc gia ô nhiễm bụi nhất thế giới, xếp hạng 124/139 quốc gia về xử lý nước thải, chất lượng không khí Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia (số liệu công bố năm 2016), cộng với vấn nạn thực phẩm bẩn đang bao vây..., nếu chúng ta cứ tiếp tục "bạo hành" với tài nguyên thiên nhiên, vô cảm với vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Trung Quốc là một nước láng giềng đang trả giá đắt cho vấn nạn ô nhiễm môi trường: “Theo báo cáo gần đây, 2/3 số triệu phú Trung Quốc đã di cư hoặc có kế hoạch di cư sang nước khác mang theo tài sản và các khoản chi tiêu của họ, trong đó 1/3 số người siêu giàu, những người có tài sản từ 16 triệu USD trở lên, đã di cư sang nước khác. Nguyên nhân chính khiến người giàu Trung Quốc từ bỏ quê hương là nhằm tìm tới môi trường giáo dục tốt hơn cho con cái và “chạy trốn” khỏi các đô thị ô nhiễm và đông đúc ở Trung Quốc”. 

Ngày xưa văn hóa xây nhà của ông cha ta, dù bất kể nhà giàu sang hay nhà nghèo thường xây nhà hình chữ khẩu (口) nhà nào cũng có hàng chè tàu dày bao bọc xung quanh, trước cửa chính mỗi căn nhà có bức bình phong cũng được xây lên cách điệu từ những loại cây trồng thân thuộc như chè tàu, hoa giấy, hoa hồng dây leo, cây dâm bụt... Xuân thu nhị kỳ những hàng cây được cắt tỉa công phu tạo ra hương thơm và cảnh sắc xinh đẹp.

Do quá trình đô thị hóa cho nên truyền thống xây nhà theo hình chữ khẩu ngày nay còn lại ít ở các thành phố lớn nhưng nếu đi ra các khu vùng ven hay đi về các tỉnh thì vẫn thấy còn khá nhiều. Hàng rào chè tàu và bức bình phong thực vật, có nơi có độ dày hơn cả mét, ngoài việc xác lập ranh giới cương vực còn có chức năng che chắn con người khỏi thiên tai, nó mang tính biểu tượng là "đạo nhà" cần phải gìn giữ. Qua đó cũng nói lên ý nghĩa người Việt từ xa xưa đã xây dựng một lối sống bình yên trong vòng tay che chở của thiên nhiên. 

Đồi Vọng Cảnh ở Huế, đất Vườn quốc gia Ba Vì hay đất rừng bán đảo Sơn Trà là lợi thế địa chính trị, hơn trăm hecta rừng phòng hộ ở Phú Yên là phên dậu của quốc gia, phá hủy những biểu tượng trên là xâm phạm gia phong của đất nước, không biết đời sống người dân khu vực đó khá lên như thế nào nhưng trước mắt đã nhìn thấy thế bền vững của quốc gia bị hao tổn!

Mouri Mamoru, phi hành gia người Nhật Bản, khi bay ra ngoài vũ trụ quay nhìn xuống hành tinh trái đất đã nêu nhận xét rằng: "...bên dưới những tầng mây kia là hơn 7 tỉ con người đang sinh sống, trong số đó bao gồm ông bà cha mẹ và bạn bè của chúng ta. Nhưng không phải chỉ có loài người không thôi, mà còn là “nhà ở” của hơn 50 triệu loài sinh vật khác nhau cùng chung sinh sống. Phải có một tầm nhìn xa và tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo tồn màu xanh và sự xinh đẹp của hành tinh trái đất...".

Các nước "nhà giàu" trên thế giới ngày nay đang phải tiêu tốn nhiều công sức và tiền của trong việc điều chỉnh hành vi con người theo công thức 3 chữ R: Reduce (không phung phí) Reuse (tái sử dụng) Recycle (tái chế) nhằm giữ gìn từng mét vuông mảng xanh môi trường. Chúng ta là nước đi sau cần rút ra bài học và kinh nghiệm xương máu của họ: "Tiền bạc không thể mua được tài nguyên môi trường!".

Trước đó, hàng loạt dự án nhờ có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận và hoạt động phản biện của nhiều nhân sĩ trí thức mà đã bị chính quyền trung ương "tuýt còi". Đó cũng là tín hiệu vui là động cơ cho chúng ta mạnh mẽ và bền bỉ hơn nữa nói lên tiếng nói bảo vệ môi trường gìn giữ mầm xanh cho giống nòi tương lai Việt Nam!

Đã đến lúc, cần loại ngay tư duy đổi môi trường, tài nguyên để lấy dự án!

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua ô bình luận bên dưới hoặc gửi email về tto@tuoitre.com.vn. 
TRÚC NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên