23/03/2017 09:26 GMT+7

An toàn bay là mệnh lệnh, phải kiên quyết đến cùng

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Để không xảy ra chuyện ngủ quên, không vắng mặt trong ca trực, thì việc đào tạo, tuyển dụng, bố trí công tác cho kiểm soát viên không lưu phải bài bản, được sàng lọc kỹ lưỡng, thực hiện công bằng.

Đài Kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi - Ảnh: VATM

Trên đây là đề xuất của bạn đọc Nguyễn Hoàng Chương sau sự cố hai kiểm soát viên không lưu trong ca trực ngủ quên và rời vị trí đã khiến hai chuyến bay không liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi (Hải Phòng) hơn 30 phút.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này:

"Sự cố xảy ra vào ngày 9-3 tại Đài Kiểm soát không lưu Cát Bi làm cho nhiều người quan ngại.

Và, khi biết được nguyên nhân xảy ra sự cố là do kiểm soát viên không lưu chính đã ngủ quên, còn kiểm soát viên không lưu hiệp đồng thì vắng mặt trong ca trực của mình - ai cũng sốc!

Nhớ lại hôm 27-6-2014 tại sân bay Đà Nẵng, nữ kiểm soát viên không lưu ở đấy gây sự cố khi máy bay HVN 130 của VietNam Airlines chưa ra khỏi đường băng mà đã cho máy bay Pic 959 của Jestar Pacific cất cánh. Phi công máy bay Pic 959 bàng hoàng thốt lên: “Bọn em sém chết rồi đấy”.

May mà mấy vụ việc trên chưa gây ra tai nạn gì! Quản lý bay không thể dựa vào may mắn, bởi may mắn đâu có mỉm cười mãi. Tai nạn luôn đến lúc con người chủ quan, lơ đễnh trong tình thế bất ngờ.

Công việc của “cảnh sát giao thông trên trời” hết sức vất vả, căng thẳng, áp lực do họ phải luôn tập trung cao, làm việc nghiêm túc - không khác gì tâm thế một người lính đang chiến đấu với kẻ thù. Kẻ thù của những chuyến bay - tai nạn. Vì thế, kiểm soát viên không lưu đòi hỏi có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, tận tâm - nhanh nhẹn - thông minh - giỏi nghiệp vụ...

Công việc đòi hỏi phải làm đúng theo quy định, bởi hàng chục, hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay (tài sản vô giá) - sự an toàn của họ được quyết định một phần lớn ở vai trò kiểm soát viên không lưu.

Để không xảy ra chuyện ngủ quên, không vắng mặt trong ca trực hay “Bọn em sém chết rồi đấy”, thiết nghĩ việc đào tạo, tuyển dụng, bố trí công tác cho kiểm soát viên không lưu phải bài bản, được sàng lọc kỹ lưỡng, thực hiện công bằng.

Bên cạnh đó cơ quan chức năng hàng không cần tăng cường kiểm tra - giám sát đột xuất, thường xuyên. Coi đây là công việc trọng yếu của ngành hàng không, tuyệt đối không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đồng thời bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên, cán bộ hàng không nói chung và kiểm soát viên không lưu nói riêng. Cùng với đó là bảo đảm quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần cho họ. Công việc căng thẳng thì môi trường làm việc phải nhân văn.

Giao thông hàng không ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong giao thông nói chung, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Hơn thế, trong tình hình an ninh hàng không (cả trên thế giới và trong nước) đang có những diễn biến phức tạp thì vấn đề an toàn bay, an ninh hàng không luôn đặt lên hàng đầu.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về ngành hàng không nhưng đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan với những biện pháp thiết thực, cụ thể, quyết liệt, được thực thi mạnh mẽ, hữu hiệu.

An toàn bay phải tuyệt đối - đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là mong ước của mọi người".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên