06/12/2016 16:42 GMT+7

Người lớn không làm gương, trẻ sao biết nói lời xin lỗi?

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - “Phải làm sao để dạy các em nói lời xin lỗi khi làm sai?” - chẳng có cách nào khác khi mỗi người lớn chúng ta phải luôn thực hiện tốt điều này mới có thể làm gương cho con cháu mình học tập.

Bản thân tôi là một nhà giáo, hằng ngày đang trực tiếp dạy dỗ học trò nên tôi rất đồng tình khi đọc bài viết “Tông vào tôi nhưng trẻ không biết xin lỗi” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-12 của tác giả Nguyễn Thị Lành. Tôi càng đồng cảm hơn khi nghe tác giả trăn trở: “Tôi nghĩ bây giờ nhà trường cũng có dạy, nhưng vì sao các em không biết nói lời xin lỗi?”.

Ngay từ lớp 1, lớp 2 ở môn đạo đức, các em đã được học bài “Biết nói lời cám ơn, xin lỗi”.

Dạy tới những bài học như thế, chúng tôi thường tạo ra các tình huống cho học sinh đóng vai và đưa ra cách xử lý của chính bản thân mình để cả lớp cùng nhận xét, bổ sung và bình chọn bạn nào có ứng xử hay và phù hợp nhất.

Chẳng hạn: “Em quên không mang bút, em muốn mượn cây bút của bạn”, “Em vô tình đạp trúng chân bạn…”, “Em làm mực dây vào sách vở của bạn…”.

Các em đóng vai rất hào hứng, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi phù hợp với từng tình huống…

Thế nhưng chỉ ngay sau đó, có em không có bút viết đã tự ý mở cặp bạn ngồi bên cạnh lấy bút để viết mà không cần xin phép. Hay nhiều học sinh làm hư đồ dùng của bạn, làm bạn té… nhưng rất ít em biết nói lời xin lỗi bạn cho đến khi giáo viên nhắc nhở các em mới thực hiện.

Không có thói quen nói lời xin lỗi là: “Do các em không biết cái gì đúng cái gì sai, do cái tôi của các em quá lớn, hay do nguyên nhân nào khác?”.

Tôi nghĩ các em không biết nói lời xin lỗi khi không có được thói quen. Những điều các em học được ở trường vẫn chưa đủ nếu hằng ngày ở nhà các em không được ba mẹ dạy dỗ, làm gương về điều này. Nhiều phụ huynh thường xem nhẹ việc nói lời cảm ơn, xin lỗi thì nói gì đến việc dạy các con.

Tôi còn nhớ, trong một đêm văn nghệ của trường, tôi bất ngờ bị một ly nước lạnh đổ hết vào người. Định thần nhìn lại, tôi thấy cậu học trò lớp 2 của mình mặt mày tái mét miệng ấp úng như muốn nói điều gì đó với cô thì bất ngờ mẹ cậu bé cầm tay lôi mạnh con đi cùng lời nói: “Cô giáo mày hả? Thôi đi chỗ khác mà ngồi, sao xui thế không biết”.

Tôi biết cậu học trò cầm nước uống nhưng đã vô tình làm đổ vào người cô. Nếu một phụ huynh tốt sẽ nhắc con xin lỗi ngay cô giáo. Với lời xin lỗi ấy, không chỉ làm ấm lòng người gặp sự cố mà còn giáo dục con biết nói lời xin lỗi khi cần thiết.

Gặp cô giáo của con mà phụ huynh ấy còn xử sự như thế, dám chắc ngay trong gia đình hoặc ngoài xã hội vị phụ huynh này cũng chẳng dễ gì nói lời xin lỗi với ai.

Con trẻ sống trong môi trường như thế thì dù nhà trường có dạy dỗ nỗ lực đến đâu cũng chẳng có kết quả gì.

Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi là một nét đẹp trong giao tiếp, phải được hình thành từ từ thông qua việc giáo dục, thực hành hằng ngày mới có được.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Là phụ huynh hay là thầy cô giáo đồng nghiệp với bạn Phan Tuyết, bạn có những kinh nghiệm, câu chuyện hay nào liên quan đến việc hướng dẫn cho trẻ biết nói lời xin lỗi? Mời bạn chia sẻ ở ô BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi về email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên