09/08/2014 05:30 GMT+7

Cần điều chỉnh cách thu bảo hiểm xã hội

VÕ ANH TUẤN
VÕ ANH TUẤN

TT - Áp lực vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến Bộ LĐ-TB&XH phải đi tìm giải pháp. Tiếc rằng các giải pháp đưa ra như tăng tuổi nghỉ hưu hay giảm lương hưu đều không nhận được sự đồng tình của người lao động.

EVeo7MQ7.jpg
Cán bộ hưu trí chờ nhận lương từ quỹ bảo hiểm xã hội (ảnh chụp tại UBND P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Không rõ các tiêu chí dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thế nào nhưng trên lý thuyết, mức thu và mức chi quỹ BHXH đã được cân đối ngay từ khi văn bản Luật BHXH được ban hành lần đầu tiên.

Theo đó, giả định việc thu BHXH được tiến hành suôn sẻ đúng như luật định thì quỹ BHXH chắc chắn sẽ ổn định, bất kể số người tham gia tăng giảm thế nào. Đơn giản là thu ít chi ít, thu nhiều chi nhiều.

Thế nhưng quỹ BHXH đang có nguy cơ bị vỡ. Vậy thì xét trên tổng thể, nguyên nhân phải nằm ở khả năng thu BHXH chứ không nằm ở số lượng người tham gia BHXH. Bởi vậy, khi nghĩ đến chuyện tránh vỡ quỹ BHXH thì trước tiên phải nghĩ đến chuyện chống thất thu.

Tính đến ngày 30-6-2014, số nợ của ngành bảo hiểm khoảng 11.900 tỉ đồng, chiếm 6,69% so với tổng số phải thu. So với cùng kỳ năm 2013, con số này đã tăng hơn 2.521 tỉ đồng, tương đương 27%. Trong đó, riêng nợ BHXH là 9.000 tỉ đồng (nợ từ sáu tháng trở lên là 3.700 tỉ đồng).

Nguyên nhân của khoản nợ này có phần do cách thu của cơ quan bảo hiểm. Trên nguyên tắc, người lao động và người sử dụng lao động là hai “con nợ” độc lập của cơ quan bảo hiểm. Chẳng có “chủ nợ” thông minh nào lại giao khoán trọn gói cho một “con nợ” đi thu tiền của mình từ một “con nợ khác”. Bởi nếu “con nợ” được giao quyền đi thu lại là con cháu của “chúa chổm” thì chủ nợ không mất cả chì lẫn chài mới là lạ.

Để khắc phục tình trạng này, BHXH VN cần điều chỉnh cách thu. Không nên để cho người sử dụng lao động thay mặt cơ quan bảo hiểm thu tiền của người lao động. Cơ quan bảo hiểm phải là đơn vị đứng ra tổ chức thu. Không có đủ nhân lực để thu trực tiếp từ người lao động và doanh nghiệp thì có thể thực hiện thu qua hệ thống ngân hàng.

Đứng về phía ngân hàng, việc phối hợp với cơ quan bảo hiểm để thu phí bảo hiểm là hoàn toàn khả thi. Hiện nay ngành thuế và hải quan đã triển khai để thu ngân sách nhà nước bằng cách này và đang rất hiệu quả.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc ngân hàng thu hộ phí bảo hiểm sẽ khả thi vì hiện nay đa số người lao động và doanh nghiệp đều có tài khoản tại ngân hàng. Thực hiện điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên.

Phía cơ quan bảo hiểm chắc chắn thu được số tiền BHXH của người lao động mà không bị thất thoát, nợ đọng tiền nộp bảo hiểm của người lao động như hiện nay, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm chi phí hành chính, chi phí nhân sự. Mặt khác, người lao động có được thông tin minh bạch, rõ ràng về lộ trình thanh toán tiền BHXH của mình như thế nào.

Các biện pháp thu tiền bảo hiểm nợ đọng từ “Chiến lược phát triển ngành BHXH VN đến năm 2020” cho đến công văn về việc triển khai các biện pháp xử lý nợ BHXH, bảo hiểm y tế do tổng giám đốc BHXH VN ký ngày 25-7-2013 về cơ bản cũng chỉ là các biện pháp hành chính. Mà hiệu quả của những biện pháp hành chính thì như đã thấy, tình trạng nợ đọng vẫn không giải quyết được.

Nếu ngành bảo hiểm không thay đổi cách thu, e rằng nỗi lo vỡ quỹ BHXH sẽ sớm thành sự thật.

VÕ ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên