27/04/2013 06:43 GMT+7

Tảo hôn: luật chưa đi vào cuộc sống?

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV Hà Nội)

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 24-4 có bài “Đám cưới trẻ con”, nói về các vụ tảo hôn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện ngày càng nhiều. Bài viết cho thấy có những cặp vợ chồng trẻ con chú rể mới có 14 tuổi, cô dâu 13 tuổi thì thật là ngoài sức tưởng tượng.

Vì độ tuổi này chỉ thấy trong một số trường hợp tảo hôn của đồng bào dân tộc ít người, sống ở miền núi cao, chứ không ngờ cũng xuất hiện ở vùng đồng bằng.

Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn tối thiểu của nam là 20 và nữ là 18. Nếu kết hôn trước độ tuổi này gọi là tảo hôn. Tảo hôn, theo chúng tôi, là một chỉ báo cho thấy Luật hôn nhân và gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa và miền núi. Nhìn từ quan điểm dân số và phát triển, có thể giải thích hiện tượng tảo hôn từ mấy điểm sau đây:

Một là, công tác tuyên truyền phổ biến Luật hôn nhân và gia đình đối với các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Nhiều bậc làm cha mẹ thiếu hiểu biết về luật pháp nên đồng tình, thậm chí khuyến khích con cái kết hôn trong tuổi vị thành niên.

Hai là, việc giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kiến thức về tình dục an toàn chưa được quan tâm. Các em trong tuổi dậy thì có những thay đổi về tâm sinh lý, có nhu cầu tình bạn khác giới, nhưng lại thiếu kỹ năng từ chối và không có hành vi tình dục an toàn, nên có thai ngoài ý muốn và đành lựa chọn kết hôn trong tuổi học sinh là giải pháp cho sự đã rồi.

Ba là, ở một số dân tộc ít người, phong tục tập quán cũ vẫn còn ảnh hưởng nên hiện tượng tảo hôn vẫn còn khá phổ biến.

Bốn là, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội ở các địa phương chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và phòng ngừa tảo hôn, do mối quan hệ tình làng nghĩa xóm nên khó và không thể xử phạt nghiêm các trường hợp tảo hôn, vi phạm luật.

Tảo hôn không chỉ là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, mà còn là rào cản đối với tương lai của các cặp vợ chồng trẻ con (học hành dở dang, không nghề nghiệp) và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các em khi phải làm chồng, làm vợ trong lúc cơ thể còn non nớt, chưa phát triển hoàn thiện. Các em gái thiếu hiểu biết về thai nghén, sinh nở, chăm sóc sau sinh và con thơ nên mẹ thường bị băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn, con sinh ra sài đẹn, uốn ván sơ sinh, viêm phổi phế quản, suy dinh dưỡng... Đáng quan ngại hơn, những đứa trẻ có cha mẹ tảo hôn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn, do cha mẹ tuổi vị thành niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ nên sinh con không đạt tiêu chuẩn về cân nặng, số đo cơ thể, về não bộ... Điều này sẽ làm suy thoái giống nòi. Vì thế, tảo hôn không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là thách thức đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là việc nâng cao chất lượng dân số. Do đó, vì thế hệ tương lai, cần xác định việc ngăn chặn và chấm dứt tảo hôn là một nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    \u0110\u00e1m c\u01b0\u1edbi tr\u1ebb con\u201d, n\u00f3i v\u1ec1 c\u00e1c v\u1ee5 t\u1ea3o h\u00f4n \u1edf c\u00e1c t\u1ec9nh \u0111\u1ed3ng b\u1eb1ng s\u00f4ng C\u1eedu Long xu\u1ea5t hi\u1ec7n ng\u00e0y c\u00e0ng nhi\u1ec1u. B\u00e0i vi\u1ebft cho th\u1ea5y c\u00f3 nh\u1eefng c\u1eb7p v\u1ee3 ch\u1ed3ng tr\u1ebb con ch\u00fa r\u1ec3 m\u1edbi c\u00f3 14 tu\u1ed5i, c\u00f4 d\u00e2u 13 tu\u1ed5i th\u00ec th\u1eadt l\u00e0 ngo\u00e0i s\u1ee9c t\u01b0\u1edfng t\u01b0\u1ee3ng." />