17/02/2013 07:00 GMT+7

Khuyến khích mọi người đọc sách

CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi

TT - Tôi đã sống và làm việc ở VN được gần ba năm. Khoảng thời gian này không dài nhưng cũng đủ để tôi có những cảm nhận nhất định về con người, văn hóa nơi đây.

3tGBiPuO.jpgPhóng to
Một bạn trẻ chọn mua sách tại đường sách ở TP.HCM dịp tết vừa qua - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Năm nay ăn Tết Nguyên đán ở VN, tôi rất ấn tượng với đường sách được mở cạnh đường hoa Nguyễn Huệ. Tuy đường sách đã được mở ba lần tại TP.HCM nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi tới đây. Có thể nói chính quyền TP đã rất tâm huyết với sự kiện này, bằng chứng là đường sách được đầu tư khá quy mô và thu hút được số lượng người tham dự đông đảo. Tôi gần như bị choáng ngợp bởi lượng người tham dự tại đây vào tối mồng 1 tết. Chỉ tiếc là sách dành cho người nước ngoài vẫn còn khá ít nên tôi cũng như vài người bạn nước ngoài không chọn mua được gì.

Tôi cũng bất ngờ khi biết rằng đường sách đã bán được gần 58.000 bản chỉ sau bảy ngày. Năm nay suy thoái kinh tế vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống nhưng mọi người vẫn bỏ tiền mua sách là điều đáng quý. Tuy nhiên, với thành phố có tới 10 triệu dân như TP.HCM thì con số 58.000 có lẽ vẫn còn khá khiêm tốn.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ đôi điều bản thân đang băn khoăn: Người trẻ Việt đang đọc gì?

Nhiều sinh viên Việt của tôi thừa nhận điều ám ảnh họ nhất khi học trường quốc tế hoặc đi du học là phải đọc quá nhiều tư liệu, sách trước mỗi kỳ thi. “Ngay cả với những môn xã hội, tụi em thường chỉ đọc và thuộc lòng ý giáo viên truyền tải là đủ” - họ chia sẻ với tôi về cách học thời phổ thông như vậy. Có lẽ do cách học vẹt này mà khi được giao đọc sách chuyên ngành để hỗ trợ môn học, thay vì tự mỗi người phải đọc hết số sách đó thì họ lại chia nhóm ra đọc rồi sau đó từng thành viên tóm tắt, tổng hợp lại... trong khi sinh viên ở nước ngoài thường thức trắng đêm để đọc sách trước mỗi kỳ thi. Với cách học này, sinh viên VN vẫn thi đậu và lên lớp, nhưng kiến thức sẽ không trọn vẹn và khi đi xin việc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn sinh viên nước ngoài.

Tôi hơi thất vọng khi biết một số sinh viên Việt của mình thường thích đọc các kênh thông tin mạng vô thưởng vô phạt để giải trí, đọc tiểu thuyết tình cảm hay đi xem phim... hơn là đọc sách chuyên môn, theo chủ đề. Giá như họ biết rằng những tác phẩm như Cloud Atlas (Vân đồ), Những người khốn khổ... ở dạng truyện ngắn, tiểu thuyết sẽ hay hơn rất nhiều lần so với phiên bản rút gọn trên phim ảnh. Tôi chỉ biết thở dài khi họ cho rằng đây là cách tiết kiệm thời gian trong thời đại công nghệ lên ngôi. Một số khác thì đọc kiểu thụ động, nghĩa là họ mua sách vì nó có tiếng, hợp thời hơn là mua những thứ đúng sở thích, phù hợp trình độ.

Điều đáng lo nhất là không chỉ giới trẻ mà nhiều đồng nghiệp người VN của tôi - những người đang đứng trên bục giảng - cũng ít đọc sách. Có thể thu nhập nghề giáo chưa cao khiến họ phải bươn chải thêm nhiều công việc khác bên ngoài, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu giáo viên cứ mãi lên lớp để truyền tải những kiến thức cũ mèm? Tôi từng biết câu chuyện về một đồng nghiệp đã rất lúng túng, giận dữ khi không tranh luận lại một sinh viên trong lớp. Cậu sinh viên này sau đó bị mang tiếng “hỗn xược” và bị nhiều giảng viên ác cảm. Còn vị giảng viên trên thì bị một phen bẽ mặt và thiếu tự tin hẳn mỗi khi đứng trước học trò. Nhiều giảng viên sau đó không khuyến khích việc tranh luận, đặt vấn đề của sinh viên trong lớp nữa. Tất cả chỉ vì người thầy ít đọc hơn trò.

Ở Mỹ, sinh viên học sinh thường được khuyến khích tham gia các đội tranh luận (debate team), đại diện trường đi thi thố khắp nơi. Các thành viên của đội này thường nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà trường cũng như sự ngưỡng mộ của bạn bè. Đây cũng là một cách khích lệ giới trẻ đọc sách bởi chỉ khi đọc sách nhiều thì họ mới có vốn sống đa dạng, khả năng lập luận và phản biện sắc bén.

Thật tiếc khi tôi không nắm được số lượng sách tiêu thụ hằng năm tại Mỹ, nhưng tôi tin ở quê hương tôi và các quốc gia phát triển khác như Anh, Nhật, Hàn Quốc... đều có rất nhiều người đọc sách. Bởi từ rất lâu văn hóa đọc đã được nhiều người xem là thước đo quan trọng trong việc xác định văn hóa, phát triển của quốc gia.

Daniel Martinez (giảng viên đại học, người Mỹ)

CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên