20/02/2011 05:13 GMT+7

Sao lại "ép" thánh thần!

TRẦN THỊ KIM ANH (Lớp 12A9 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM)
TRẦN THỊ KIM ANH (Lớp 12A9 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM)

TT - LTS: Trong hàng trăm ý kiến của bạn đọc bày tỏ nỗi bức xúc về tình trạng “mua thần bán thánh” tại các lễ hội, có ý kiến của một học sinh lớp 12. Chúng tôi xin đăng bức thư.

Thông thường để củng cố niềm tin người ta sẽ hi vọng. Xét ở góc văn hóa, đó là mỹ tục rất đáng trân trọng và gìn giữ ở Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung. Thế nhưng, cách tìm kiếm hi vọng của một số người hiện nay khiến nét đẹp ấy trở thành một mối lo ngại.

Trang bìa trên báo Tuổi Trẻ ngày 18-2 đập vào mắt người đọc một sự ngỡ ngàng đến sợ hãi. Chỉ vì xin ấn mà bao người đàn ông chèn ép một người phụ nữ yếu đuối. Ngay cả việc tìm sự phù hộ vô hình mà người ta vẫn tranh giành nhau, thử hỏi làm sao họ có thể sẻ chia cho nhau nếu đó là những thứ có giá trị?

Những hình ảnh, thông tin trên báo đài chụp được từ các lễ hội gợi cho chúng ta hai điều phải trăn trở. Thứ nhất là sự xô bồ, mất trật tự nơi tôn nghiêm. Thứ hai là sự “vật chất hóa” nghi thức cầu an của một số người.

Một thời gian trước cả xã hội Việt Nam đã nhìn nhận lại “văn hóa xếp hàng” của dân tộc mình. Nay hiện tượng đáng buồn ấy lại xuất hiện, mà lại ngay những nơi hơn đâu hết cần sự ứng xử có văn hóa, có lễ nghi.

Thứ nữa, trong giáo lý Phật giáo có khuyên nhủ con người đừng nên sân si, tránh xa cám dỗ tầm thường của cuộc sống như tiền bạc, danh vọng, tửu sắc... Ấy vậy mà nhiều người lại “dúi” tiền vào các tượng thánh.

Phải chăng họ đang “suy bụng ta ra bụng người”? Họ muốn có tiền, thế nên họ “cho đi” để được “nhận lại”? Nhưng họ quên rằng những pho tượng kia tượng trưng cho thánh, đã là thánh thì trong tâm tưởng thánh không tồn tại thói quan liêu, hối lộ, tham nhũng... như con người.

Trong bối cảnh xã hội mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức đang chống lại tham nhũng, thế mà nhiều người lại “ép” thánh thần bất đắc dĩ làm những việc đáng chê trách như vậy. Đáng buồn thay!

Tại sao tất cả chúng ta không cầu an, xin ấn một cách thành tâm và có văn hóa? Tại sao chúng ta không vững tin rằng “ở hiền gặp lành”? Chúng ta sẽ nhận được gì nếu cứ tranh giành cầu an, cầu danh, cầu may mắn mà không có sự lao động nghiêm túc và hợp pháp?

Suy cho cùng, tất cả phụ thuộc vào yếu tố con người. Và những cách tìm nơi để gửi gắm hi vọng chỉ giúp chúng ta thêm an tâm, vậy hà cớ gì chúng ta phải bon chen? Làm mình đau, người khác đau, cả thánh thần cũng đau.

Khi bạn bè hỏi tôi theo đạo gì, họ rất ngạc nhiên khi tôi trả lời: “Đạo tại tâm”. Tôi không tôn thờ tiên thánh nào cả. Một phần có lẽ như nhiều người nói vì tôi chưa lớn, chưa làm ăn. Thế nhưng, tôi luôn quan niệm nếu tâm mình tốt, mình sống tốt thì những điều tốt sẽ đến. Thêm vào đó là sự yêu thương của mọi người xung quanh.

Và khi gặp niềm vui hay khó khăn, sự chia sẻ, hỗ trợ từ người thân, thầy cô, bạn bè với tôi đó đã là may mắn rất lớn. Tôi tin vào những điều thực tế và nhân văn như vậy!

Khép lại bài viết, tôi xin mượn câu mà cô Dương Thu Trang - giáo viên dạy bồi dưỡng văn của tôi - hay nói: Hi vọng là đặc tính duy nhất của con người khiến Thượng đế cũng phải kinh ngạc: Sống cần có hi vọng để tránh những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng cách hi vọng khiến Thượng đế kinh ngạc như thế nào tùy thuộc vào ứng xử của mỗi người chúng ta.

__________

Tin bài liên quan:

Lễ hội: văn hóa hay cuồng tín?Kinh hoàng chen lấn xin ấn cầu danhThảm hại lễ hộiBi hài chuyện khai ấn

TRẦN THỊ KIM ANH (Lớp 12A9 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên