29/09/2010 06:19 GMT+7

Thao thức cùng Bạch Mã

NGUYỄN VĂN DŨNG (võ đường Nghĩa Dũng, Huế)THÁI LỘC ghi
NGUYỄN VĂN DŨNG (võ đường Nghĩa Dũng, Huế)THÁI LỘC ghi

TT - Tôi có duyên nợ với Bạch Mã lần đầu năm 1957, để rồi từ năm 1981, chí ít mỗi năm một lần tôi đều lên thăm “ngọn núi ảo ảnh” này. Trong hai lần thăm mới đây nhất (3-7 và 3-9-2010), tôi thấy Bạch Mã thật sự tan hoang.

HRy8pe1n.jpgPhóng to
Cụm chuông, bia, chùa (cải tạo từ Hải Vọng Đài) trên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: Thái Lộc

Lòng quặn thắt chẳng biết ngỏ cùng ai, nay đọc bài “Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã” trên Tuổi Trẻ ngày 27-9, thật cảm thấy được đồng cảm. Tôi cũng xin chia sẻ đôi điều.

Không thể xây chùa trong vườn quốc gia Bạch MãTan nát vườn quốc gia Bạch Mã

Bạch Mã có là Bà Nà không?

Yêu cầu vườn quốc gia Bạch Mã báo cáo sự việc

Ngày 28-9, ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã yêu cầu kiểm tra thông tin mà báo Tuổi Trẻ ngày 27-9 nêu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-10.

Mười năm qua, nhiều biệt thự cũ được trùng tu và xây mới. Bạch Mã trở thành vừa là vườn quốc gia, vừa phục vụ khách du lịch, vừa là khu nghỉ dưỡng; hai năm trở lại đây còn thêm “Non thiêng Bạch Mã” với chùa chiền, bia, chuông, tượng đang xây và sắp xây.

Không biết rồi đây con ngựa trắng Bạch Mã còn phải cõng thêm trên lưng gánh nặng nào nữa?

Thiết nghĩ, vấn đề hàng đầu của Bạch Mã là phải xác định cho được Bạch Mã là cái gì? Có như Bà Nà không? Là vườn quốc gia? Là vườn quốc gia và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng? Là non thiêng “mây hiện Quan Âm”?... Dứt khoát không thể tùy tiện biến Bạch Mã thành thứ tạp pí lù, vì đấy là cách tàn phá Bạch Mã nhanh nhất.

Theo tôi, tốt nhất Bạch Mã chỉ nên là: vườn quốc gia + khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

10 năm làm đường

Người Pháp mất mười năm để hoàn thành con đường lên Bạch Mã. Đó là con đường nhỏ nhắn uốn lượn, ẩn khuất giữa rừng đại ngàn. Hiểu rõ đặc điểm địa hình và khí hậu Bạch Mã nên khi làm đường, người Pháp rất coi trọng hệ thống thoát nước gồm rãnh, cống ngầm và cầu. Ngày mưa, nước từ trên các triền núi dựng đứng đổ xuống tuôn theo đường rãnh, dọc theo đường rãnh từ 100-200m có một ống cống ngầm dẫn nước từ rãnh sang bên kia đường. Ở các đường phân thủy, bắc qua con suối là những chiếc cầu bêtông kiên cố.

Với hệ thống thoát nước ấy, mùa mưa, kể cả khi mưa lớn, nước không thể tràn ra đường, mặt đường được bảo vệ và lề đường phía bên kia cũng được an toàn.

Những năm 1985-1987, sau khi ngốn hết sắt của các công trình trên Bạch Mã, nhiều người dân quay lại đập phá không thương tiếc các cầu và cống trên suốt cung đường (cũng để lấy sắt).

Hè năm 1988, trong nỗ lực xây dựng Bạch Mã thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, đường lên Bạch Mã được khai thông chỉ trong sáu ngày, theo cách cho bóc lớp cỏ cây lau lách trên mặt đường và cào bằng, san lấp những hang hốc do cống cầu bị đập phá.

Đến mùa mưa lũ, nước từ vách núi dựng đứng ào ạt đổ xuống. Do hệ thống thoát nước đã bị cào lấp, nước tràn ra mặt đường biến đường thành suối (có nhiều đoạn suối đường rộng đến 3m, sâu lút đầu người). Gặp khúc quanh (đường lên Bạch Mã rất nhiều khúc quanh), nước tống thẳng làm sụt lở cả khúc đường.

Đầu năm nay, một kế hoạch đại trùng tu khác lại bắt đầu, lần này xem ra hoành tráng và tốn kém nhất từ trước đến nay. Rất ngạc nhiên là người ta vẫn thi công con đường theo cách cũ, không cần biết đặc điểm thời tiết và địa hình Bạch Mã. Duy có hai điểm này thì khác trước.

Một là, người ta coi trọng khâu làm kè, hẳn là để chống sụt lở. Liệu có loại kè nào chống nổi nước nguồn Bạch Mã không? Tại sao không tham khảo cách làm của người Pháp: xây hệ thống thoát nước tốt, nước không tuôn ra đường, như vậy mặt đường sẽ được bảo vệ và lề đường phía bên kia cũng được an toàn? Với cách làm hiện nay, có chắc sau khi công trình hoàn tất vài năm lại phải bắt đầu kế hoạch đại trùng tu khác?...

Hai là, lần này người ta tích cực nổ mìn, chặt cây, phá đá, bạt núi, mở rộng con đường. Trước đây, từ đỉnh Bạch Mã nhìn về đầm Cầu Hai xanh ngắt ngàn cây, nay toang hoác con đường như một vết chém đỏ lòm. Không biết người ta có biết con đường lên Bạch Mã phải khác với con đường lên Bà Nà hay một nơi phồn hoa đô hội nào khác?

Liệu có ai tính được cái giá phải trả cho cảnh quan và môi trường sinh thái?

Mong trân trọng và giữ gìn báu vật

Từ năm 2008, không biết bằng cách gì, lầu bát giác thô tháp ấy biến thành chùa. Thầy An giữ chùa cho biết tiếp theo sẽ có một chuỗi chùa, tháp, tượng Phật to lớn được xây dọc theo đỉnh Bạch Mã.

Nhiều khách du lịch nước ngoài nghe trên Hải Vọng Đài có chùa và tượng Phật, họ phản đối và không lên nữa. Là vì với họ, cái gì ra cái nấy - viếng chùa ra viếng chùa, còn lên núi cao ngắm cảnh quan tuyệt mỹ lại bắt họ phải viếng chùa thì họ không chịu.

Ai là người chịu trách nhiệm về Bạch Mã?

Giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã cho biết: “Việc này là nhạy cảm, cũng không ai có quyết định. Bộ chưa cho phép vì những cái đó hình thành một cách tự phát và trên một phạm vi nhỏ”.

Không ai có quyết định sao lại thi công? Bộ chưa cho phép sao lại làm? Nổ mìn, bạt núi, tàn sát cây cối để làm đường với quy mô lên đến hàng trăm tỉ đồng, sao gọi là nhỏ? Biến trạm kiểm lâm thành chùa, biến Bạch Mã thành “non thiêng” với quần thể chùa, tháp, tượng, nhà bia, lầu chuông ngay trên đỉnh Bạch Mã sao gọi là nhỏ?...

Bạch Mã không là tài sản của riêng ai, mà là “vườn quốc gia”, bởi thế người dân cần được biết ai là người ra quyết định xây dựng các công trình trên; ai là người chịu trách nhiệm đánh giá tình hình và chấn chỉnh các sai phạm.

Có may mắn được đi qua nhiều vùng linh địa, thánh địa, vườn quốc gia trên thế giới, tôi nghiệm ra Bạch Mã là báu vật mà thượng đế ưu ái dành cho chúng ta. Mong sao chúng ta phải biết trân trọng và giữ gìn.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn (phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế): Phải hỏi cơ quan duyệt dự án

Đây là một con đường cũ mở rộng chứ không phải đường mới. Mở đường để đảm bảo thuận lợi giao thông vì đường lên Bạch Mã quá hẹp, chỉ từ 4-6m. Việc nới rộng các đoạn cua chắn tầm nhìn là cần thiết.

Tất nhiên, nếu mở đường mà không dùng mìn thì tốt hơn. Thay vì nổ mìn phá đá có thể dùng phương pháp thủ công. Thời gian thực hiện theo đó sẽ kéo dài và ngân sách sẽ tiêu tốn nhiều hơn.

Theo tôi, tất cả những vấn đề này phải hỏi cơ quan phê duyệt dự án là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

NGUYỄN VĂN DŨNG (võ đường Nghĩa Dũng, Huế)THÁI LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên