13/08/2014 06:57 GMT+7

​Giải pháp tình thế sẽ gây bế tắc

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

TT - Sau một thời gian dài chuẩn bị, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang được đưa ra bàn thảo lại và có những ý kiến trái chiều.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Ảnh nhân vật cung cấp

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn đã gửi đến Tuổi Trẻ  ý kiến về vấn đề này.

Xung quanh đề xuất lấp rạch Xuyên Tâm để đặt cống hộp vẫn còn nhiều tranh cãi. Xin đề xuất vài ý kiến để cơ quan chức năng nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định.

Bài toán chống ngập

Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm cần đảm bảo mục đích quan trọng nhất là giải quyết vấn đề ngập nước hiện nay và tương lai cho khu vực đất thấp tại Bình Thạnh và Gò Vấp.

Khu vực này đã được đô thị hóa, nhưng hiện có cao trình nền trung bình khoảng 2m và thấp hơn, thuộc vào vùng đất rất thấp có nguy cơ ngập cao của TP.

Do đó dòng rạch cần được khơi thông kết nối liên tục với rạch Thị Nghè (phía nam), sông Sài Gòn (phía đông bắc) và sông Vàm Thuật (phía bắc) mới có thể xử lý được nguy cơ ngập lụt ngày càng gia tăng của khu vực.

Suốt bề dài tuyến chính cần phải thiết kế theo dạng mở (không nên lấp kín để làm cống hộp ở bất kỳ đoạn nào, chỉ trừ đoạn dự kiến tái kết nối với rạch Văn Thánh do chi phí giải tỏa có thể quá cao). 

Không nên thu hẹp mà giữ nguyên chiều rộng hiện hữu hoặc khơi rộng ra hơn để đảm bảo dòng chảy được lưu thông tốt và công tác nạo vét định kỳ bằng thuyền được dễ dàng xuyên suốt.

Ngoài ra, đoạn rạch Cầu Bông trước kia liên thông với rạch Văn Thánh, nay đã bị lấp phần kết nối. Cần khảo sát lại khả năng phục hồi kết nối này nếu có thể.

Do vậy, vốn đầu tư cần đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nạo vét và khơi thông phải được thực hiện một lần cho suốt tuyến.

Điều này mới tạo được hiệu quả lợi dụng lực đẩy của thủy triều để tạo được dòng chảy thường xuyên, duy trì không để bị tắc nghẽn trở lại và tránh tình trạng ao tù, là nơi ô nhiễm, sinh sống của muỗi.

Các chi phí khác như làm kè bêtông, giải tỏa đủ để làm đường giao thông xe hai bên chỉ tốt trong điều kiện có ngân sách, nhưng chưa cần thiết bằng việc nạo vét khơi thông và làm sạch kênh trước.

Cải tạo môi trường

Cải tạo rạch Xuyên Tâm phải hướng đến việc cải tạo môi trường và tạo tuyến không gian xanh cho khu vực. Vì vậy, cần lưu ý giảm thiểu bề mặt bêtông hóa, giữ lại các khu vực mặt nước và không gian xanh đã có và được mở rộng trên một số đoạn rạch để cải tạo thành hồ nước và tuyến công viên.

Điều này không những giúp điều tiết nước mưa và giảm ảnh hưởng của triều cường mà còn giúp làm mát đô thị và cung ứng các không gian cảnh quan, phục vụ một số công trình phúc lợi, trường học và trung tâm văn hóa thể thao sẽ được xây dựng.

Nhờ vậy, khu vực gần đó là nơi lý tưởng để xây dựng các chung cư và khu tái định cư.

Như vậy, đây không chỉ là một dự án hạ tầng (nạo vét kênh rạch và làm đường giao thông) đơn thuần, mà phải đồng thời là một dự án môi trường và xã hội, đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho cộng đồng dân cư.

Nhà trên rạch Cầu Bông, P.2, Q.Bình Thạnh - Ảnh: NGỌC HÀ

Phân kỳ dự án

Khó khăn về ngân sách là trở ngại quan trọng nhất cho việc thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm bấy lâu nay. Do vậy giai đoạn đầu nên ưu tiên giải tỏa và khơi thông dòng rạch nối ra sông và các con rạch khác như đã nói ở trên.

Giai đoạn hai, nên phát triển xây dựng cải tạo theo phân kỳ cho từng đoạn rạch ngắn tùy theo ngân sách hằng năm, bao gồm kè (bêtông hoặc cừ tràm) và đường giao thông (tối thiểu phải có giao thông bộ và xe đạp hai bên rạch, chỉ tổ chức giao thông xe nếu có thể) từ phía nam dần lên phía bắc, kết hợp với các dự án địa ốc mới hai bên tuyến rạch nếu có thể.

Không nên vì thiếu vốn mà cứ tiếp tục chờ mãi. Kết quả tích cực trong việc xây dựng các đoạn rạch này kết hợp với việc cải tạo môi trường sống hai bên sẽ tạo nên hình ảnh sinh động, vừa dần dần thu hút nhà đầu tư, vừa thuyết phục người dân cùng hợp tác vì lợi ích chung.

Cần xác định đây là dự án đem lại lợi ích công cộng về chống ngập và cải thiện môi trường, không những khu vực mà cho cả Bình Thạnh và khu nội thành, đúng ra là phải được thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Trong tình hình khó khăn về ngân sách, nên xem xét thêm những ưu đãi đặc biệt, ví dụ giảm thuế và giá thuê đất thấp trong thời gian dài cho các khu đất dự án tiềm năng có thể đem lại lợi nhuận địa ốc cao, để tạo được lợi ích lâu dài nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân giúp thực hiện dự án.

Đừng nóng vội

Dự án rạch Xuyên Tâm có tầm quan trọng về môi trường đối với Q.Bình Thạnh và một phần Q.Gò Vấp. Do đó không nóng vội trong việc đưa ra những giải pháp tình thế vì có thể gây bế tắc cho phát triển trong tương lai.

Ví dụ, không nên thu hẹp dòng chảy hoặc cho phép lấp một số đoạn kênh và sử dụng cống hộp chỉ vì thiếu vốn và muốn thực hiện nhanh dự án. 

Vì nếu không tính đến tương lai phát triển mật độ ngày càng cao hơn sau này của khu vực nội thành, lúc đó con rạch hẹp sẽ là trở ngại lớn cho phát triển và chống ngập.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên