05/07/2014 02:00 GMT+7

Dân sẽ nghĩ tốt...

NGUYỄN MINH NHỊ (An Giang)
NGUYỄN MINH NHỊ (An Giang)

TT - Từ bài “Giúp dân đừng nghĩ xấu!” (Tuổi Trẻ ngày 29-6), ông NGUYỄN MINH NHỊ- nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết bàn thêm về câu chuyện này. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Giúp dân đừng nghĩ xấu!Ám ảnh thí điểm từ việc dừng chương trình Cambridge

avX8L7H0.jpg
Cử tri Trần Thiện Tứ phát biểu về công khai minh bạch và chỉnh sửa luật trong dịp đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri Ủy ban MTTQ TP.HCM sáng 26-6 - Ảnh: T.T.D.

Trong bài “Giúp dân đừng nghĩ xấu!” của Giáng Hương, ngụ ý của người viết: người dân có sự mặc định về hình ảnh không đẹp của một số cán bộ, công chức là do những hình ảnh này đập vào mắt hằng ngày, lặp lại nhiều lần tạo thành “vết nhăn” trong vỏ não. Và tác giả cho rằng chỉ cần công khai minh bạch mọi chủ trương, chính sách và việc làm của cơ quan, cán bộ công quyền - tức là kêu gọi sự tự giác hành động của giới công bộc trên cơ sở pháp lý và đạo lý - để lấy lại lòng tin và “suy nghĩ bình thường” của người dân, hay nói như tác giả là gỡ “cặp kính đen” mà họ đang đeo.

"Nếu cán bộ do dân chọn thì họ mới sợ dân mà vì dân. Vì dân mà sợ dân thì mới bền vững, vì ở đâu cũng có dân, thậm chí trong nhà cũng có dân. Nếu vì dân mà chỉ sợ Đảng, sợ cấp trên, sợ tòa án thì làm gì có chuyện tự giác giữ mình, sửa sai"

Tôi hoàn toàn chia sẻ với tác giả. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ thêm: tác giả đứng về phía người “đeo kính đen”, là người chủ nên mới kêu gọi phía đối tác - là người phục vụ, hay nói như Bác Hồ là công bộc của dân - phải thế này thế nọ để hòa hợp và hợp tác cùng nhau. Thiện ý của tác giả không mong gì được đáp ứng đâu, vì nếu “đối tác” không nghe, không làm theo thì phải làm sao? Đi kiện là tất nhiên rồi. Nhưng từ xưa người ta ví nhà nghèo đi kiện nhà giàu, dân mà kiện quan thì như “con kiến mà kiện củ khoai” và cũng không mấy ai đủ gan, đủ tiền, đủ kiên nhẫn đi kiện. Bác Hồ, Đảng, Chính phủ cũng đã kêu gọi nhiều rồi, lâu rồi. Quốc hội còn ra Luật công chức, đặc biệt là trung ương ra cả nghị quyết 4 vừa qua, nhưng người ta không thực hiện thì sao? Vậy không lẽ đi kiện? Kiện ai? Ai xử?...

Nói thế có vẻ bế tắc quá. Nhưng không. Bài toán nào cũng vậy, nhất là toán cao cấp phức tạp, phải lập phương trình - quy trình rồi mới giải được.

Quy trình tổ chức cán bộ ta lập từ khi có Đảng, nó được vận hành hanh thông trong chiến tranh cách mạng, nghĩa là trong điều kiện chưa có vai trò của dân can dự vào vấn đề nhân sự của Đảng. Mọi việc ngày ấy, nhất là công tác cán bộ, phải từ hạt nhân lãnh đạo mà ra, từ trên xuống. Và như vậy thì là chuyện của Đảng, Đảng quyết, Đảng chịu. Ngày ấy, khi cán bộ không có quyền lực thì họ vì dân là hoàn toàn tự giác, vì không như vậy thì sẽ bị dân đẩy ra đường cho máy chém hoặc trường bắn của kẻ thù.

Nay thì dân làm chủ đất nước, mọi việc của Nhà nước và công chức làm đều có liên hệ mật thiết, nếu không nói đều là của dân. Khi cầm quyền thì chuyện cán bộ vì dân là bắt buộc chứ không còn là tự giác nữa, không thuộc phạm trù đạo đức mà là phạm trù pháp luật và chế tài pháp luật.

Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân. Vậy cán bộ công chức nhà nước là của dân, phục vụ dân thì phải do dân chọn (bầu). Từ quy trình công tác cán bộ như đã trình bày, nghĩa là từ Đảng chọn dân bầu, nên chăng Đảng chỉ lãnh đạo còn dân cử và dân bầu? Đảng lãnh đạo là để bảo đảm dân bầu đúng luật, đúng người tốt, nếu lỡ lầm bầu người xấu thì Đảng cũng có cách bác tư cách đúng luật. Đề xuất này là từ kinh nghiệm thực tế hơn nửa thế kỷ qua. Cán bộ của dân mà không công khai tài sản, thu nhập, con cái du học...thì dân sẽ bỏ phiếu không tín nhiệm hoặc sẽ không chọn để bầu. Vậy nên cán bộ mới thật sự là công bộc. Cán bộ tham nhũng rất sợ dân nếu dân có quyền và ngược lại! Đây là gốc của gốc vấn đề để dân sẽ nghĩ tốt về cán bộ nhà nước.

NGUYỄN MINH NHỊ (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên